Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vì sao trái cây vào Mỹ không như kỳ vọng?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mỹ được xác định là thị trường cao cấp trong tiêu thụ nhiều loại trái cây của Việt Nam. Thế nhưng, việc đưa trái cây Việt Nam sang tiêu thụ ở thị trường này không như kỳ vọng, thậm chí có loại đã ngưng bán sau một vài đơn hàng đầu tiên.

Lô xoài của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ảnh: Trung Chánh

Tính đến thời điểm hiện tại, có 7 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, bao gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài và bưởi. Tuy nhiên, theo đánh giá của những người trong cuộc, thì việc khai thác thị trường cao cấp này không như kỳ vọng...

Khi giấc mơ qua đi, những vùng trồng bị “xoá sổ”

Năm 2017, lô vú sữa lò rèn (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đầu tiên đã được xuất khẩu đi Mỹ. Đây được xem là thành công lớn của ngành cây ăn trái tỉnh Tiền Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong việc “chinh phục” thị trường cao cấp như Mỹ.

Thời điểm lúc bấy giờ, một trái vú sữa lò rèn ở Vĩnh Kim đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ được “hét giá” khoảng 60.000 đồng, tương đương khoảng 720.000 đồng/chục (12 trái), thậm chí doanh nghiệp phải đưa tiền trước cho nông dân để “xí phần” khi trái còn non.

Tuy nhiên, “ánh hào quang” trái vú sữa cũng không duy trì được lâu khi việc xuất khẩu chỉ dừng lại ở mức độ cầm chừng, thậm chí hàng ngàn héc ta diện tích vùng chuyên canh loại đặc sản này ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã bị... “xoá sổ”.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Ngàn, người từng giữ chức Chủ nhiệm hợp tác xã vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang thừa nhận, sau một vài đơn hàng đầu tiên, việc xuất khẩu loại trái cây này sang Mỹ cũng ngưng. “Có nhiều khó khăn lắm, trong đó, có yêu cầu bắt buộc trái vú sữa trước khi xuất khẩu sang Mỹ phải qua chiếu xạ, tuy nhiên, sau chiếu xạ, thì ngày trước sang ngày hôm sau nó đen (hư) hết”, ông nói.

Ngoài ra, theo ông Ngàn, loại trái cây này cũng chủ yếu phục vụ cho người tiêu dùng châu Á, trong đó, có người Việt, chứ người Mỹ không quan tâm vì họ không biết loại trái cây này. “Mới đây, cũng có mấy doanh nghiệp xuất khẩu vú sữa sang Mỹ (không phải vú sữa lò rèn ở Vĩnh Kim- PV) khoảng hơn 400 kí lô gam, nhưng giá bay (vận chuyển bằng đường hàng không- PV) quá cao, khiến lợi nhuận không được bao nhiêu nên cũng rất khó”, ông cho biết.

Thực tế, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2021, tức sau nhiều năm kể từ khi vú sữa được xuất khẩu sang Mỹ, thì tổng kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này của Việt Nam cũng chỉ đạt chưa đến 2,2 triệu đô la Mỹ, trong đó, riêng thị trường Mỹ đạt trên 2 triệu đô la Mỹ, chiến 93,97% kim ngạch.

Việc khai thác thị trường xuất khẩu không như kỳ vọng, trong khi tiêu thụ thị trường nội địa khó khăn, cho nên, hàng ngàn héc ta vùng chuyên canh loại cây trồng này ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cũng đã bị “xoá sổ” để chuyển sang các loại cây trồng khác.

Theo đó, nếu như năm 2011, tổng diện tích trồng vú sữa lò rèn ở Vĩnh Kim lên đến khoảng 3.100 héc ta, thì diện tích còn lại hiện nay chưa đến 5%. “Thậm chí, có ấp chỉ còn 3 cây vú sữa được bà con nông dân giữ lại để làm cây đầu dòng thôi, chứ những cây khác tiêu hết luôn”, ông Ngàn nói.

Riêng ông Ngàn, 1 héc ta diện tích sản xuất vú sữa lò rèn cũng đã được chuyển đổi sang trồng bưởi và sa pô chê. “Nói chung, giá cả quá ế ẩm nên người dân đã phá bỏ hết rồi”, ông nói.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Vương Đình Quỳnh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát - đơn vị thực hiện dịch vụ chiếu xạ trái cây xuất khẩu đi Mỹ và cũng là doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu trái cây cho biết, không riêng vú sữa, với trái xoài cát Hoà Lộc, Việt Nam cũng từng kỳ vọng tạo “đột phá” cho ngành cây ăn trái, nhưng kết quả khai thác cũng không như kỳ vọng.

Theo đánh giá của các nhà xuất khẩu, loại trái cây xuất khẩu sang Mỹ thành công nhất của Việt Nam là thanh long ruột trắng, nhưng ở thời điểm hiện tại gần như không còn đơn vị nào xuất khẩu nữa.

“Một trong những nguyên nhân là do chúng ta định vị trái thanh long quá cao, nhưng trong hoạt động trồng trọt và xuất khẩu lại thiếu sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Trong khi đó, những nước khác như Mexico đã trồng và xử lý kéo dài vụ mùa từ 3 tháng như trước đây lên 6 tháng, chi phí vận chuyển bán hàng vào Mỹ cũng thấp. Do đó, trái thanh long ruột trắng của Việt Nam bị thua ở thị trường Mỹ”, ông Hiếu giải thích.

Vị doanh nhân này cũng nêu quan điểm, việc mở cửa thị trường cho một loại trái cây, nhưng thiếu những khảo sát, đánh giá nghiêm túc cũng chính là lý do khiến việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào thị trường Mỹ không đạt kỳ vọng như khi đàm phán mở cửa.

Trao đổi với KTSG Online, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng cho rằng, Mỹ là thị trường quá xa với Việt Nam, trong khi xung quanh Mỹ cũng có những quốc gia trồng trái cây nhiệt đới giống Việt Nam như Mexico, Peru, nhưng chi phí logistics cạnh tranh hơn Việt Nam rất nhiều, cho nên, trái cây Việt Nam không cạnh tranh lại. "Họ (Mexico, Peru) đi bằng tàu vì gần Mỹ, trong khi Việt Nam phải đi bằng máy bay, cước phí rất cao thành ra trái cây mình qua đó mắc hơn, dẫn đến không thể cạnh tranh”’, ông giải thích.

Ngoài ra, theo ông Nguyên, trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu hướng đến đối tượng tiêu dùng là người châu Á, trong đó, cộng đồng người Việt ở Mỹ là chính. “Đây cũng là một hạn chế, khiến trái cây Việt Nam vào Mỹ không nhiều”, ông nhấn mạnh.

Chuyên gia của Mỹ kiểm tra thanh long ruột đỏ trước khi đưa vào chiếu xạ xuất khẩu vào quốc gia này. Ảnh: Trung Chánh

Đầu tư cho R&D, đơn giản hóa thủ tục

Trước bối cảnh xuất khẩu trái cây đi Mỹ không như kỳ vọng, ông Hiếu của Toàn Phát nhấn mạnh, vấn đề quan trọng cần phải thực hiện, đó là khi mở cửa thị trường cho một loại trái cây phải có sự khảo sát, nghiên cứu một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng.

Theo ông, kinh doanh thương mại là việc của doanh nghiệp, nhưng các cơ quan, ban ngành liên quan cần phải hỗ trợ để giúp làm việc này. Ông Hiếu lấy ví dụ người Mỹ biết đến trái thanh long nhiều hơn khi các nước lân cận như Mexico trồng nhiều và tìm cách để đưa hàng vào Mỹ, chứ trước đây đối tượng tiêu thụ chính trái thanh long là người gốc chấu Á, bao gồm người gốc Việt và gốc Hoa sống ở Mỹ.

Những câu chuyện nêu trên để dẫn chứng quảng bá, tiếp thị là câu chuyện phải có sự chung tay của chính quyền, chứ không phải việc riêng của doanh nghiệp. “Bởi vì, doanh nghiệp chỉ biết làm để tạo ra lợi nhuận, còn để tạo ra danh tiếng (thương hiệu) phải có sự hỗ trợ của là cơ quan ban ngành liên quan", ông Hiếu chia sẻ, và lấy ví dụ khi cơ quan chức năng xây dựng được thương hiệu cho trái bưởi, thì sau đó các doanh nghiệp với năng lực về tài chính, thương mại, mối quan hệ sẽ đưa trái cây này sang thị trường.

Đồng quan điểm nêu trên, trao đổi với KTSG Online, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây (xin không nêu tên) cho rằng, bên cạnh việc đàm phán mở cửa thị trường, các cơ quan, đơn vị liên quan cần mở những lớp tập huấn để doanh nghiệp, người nông dân đáp ứng quy định của thị trường.

Sau khi mở cửa thị trường, còn rất nhiều việc phải làm, bao gồm cấp mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói. “Đáng lẽ các cơ quan, đơn vị phải phổ biến, hướng dẫn thông qua các lớp tập huấn, thì ở đây chúng tôi phải xin thông tin, hoặc phải chủ động tìm hiểu thực hiện. Điều này, vô tình gây khó khăn cho việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam”, vị doanh nhân này cho biết.

Thậm chí, trong quá trình áp dụng tiêu chuẩn xuất khẩu của cơ quan quản lý nhà nước đôi khi bị sai so với yêu cầu của thị trường. “Chẳng hạn, với thị trường Mỹ, trong kế hoạch hành động được ký kết giữa hai nước, thì mã số vùng trồng được cấp “một lần và duy nhất”. Tuy nhiên, về Việt Nam áp dụng lại đưa ra tiêu chuẩn khác, đó là “mã số phải tái chứng nhận hàng năm”, vị này dẫn chứng và cho rằng, thời gian để được tái chứng nhận có khi mất nửa năm và điều này vô tình đã làm "đứt gãy" việc xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trên thực tế, lẽ ra cơ quan chức năng của Việt Nam chỉ có thể kiểm tra xem doanh nghiệp có đáp ứng yêu cầu hay không, tức trong quá trình kiểm tra doanh nghiệp vẫn được sử dụng mã số vùng trồng đó để xuất khẩu. “Chỉ khi nào kiểm tra thấy không đạt, thì yều cầu tạm thời dừng lại để điều chỉnh, chứ không thể tái chứng nhận hàng năm được”, vị này cũng góp ý chính những thủ tục nhiêu khê của cơ quan quản lý nhà nước đã làm thiệt hại sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp.

Những khó khăn trong cấp mã số, tái chứng nhận mã số vùng trồng đã dẫn đến những tiêu cực, mà cụ thể xuất hiện tình trạng doanh nghiệp đi mượn, thuê mã số vùng trồng của nhau. “Tại sao doanh nghiệp làm sai?”, vị doanh nghiệp này đặt câu hỏi và giải thích dưới góc nhìn cá nhân, vì chi phí để duy trì quá lớn, bao gồm chi phí tái chứng nhận và chi phí đội ngũ con người để làm thủ tục duy trì mã số.

1 BÌNH LUẬN

  1. Thất bại mà đổ thừa do giá cao là chưa hẳn, chất lượng và an toàn thực phẩm không ổn định, thủ tục xuất đi còn khó hơn nhập… đó mới là nguyên nhân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới