(KTSG) - Tại buổi làm việc về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong 7 tháng đầu năm và giải quyết kiến nghị của UBND quận 1 ngày 26-8 vừa qua, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đã nói rằng: “Đừng bao giờ trong đầu bất kỳ đồng chí nào nghĩ đây là chỗ của những người giàu, người sang trọng. Nếu có 100, 200 hay 300 người buôn gánh bán bưng thì cũng phải tìm hiểu họ là ai, cách thức như thế nào và tạo sinh kế gì cho người ta sống được; đừng nghĩ đẩy người ta ra khỏi chỗ này”(1).
Câu chuyện dẹp hay để cho hàng rong tồn tại trong đô thị đã được bàn đến nhiều lần và sở dĩ hàng rong được bàn nhiều là bởi hình như trong tiềm thức của khá nhiều nhà lãnh đạo, hàng rong là một vấn đề (không tốt) cần giải quyết.
Nếu thật sự có tồn tại suy nghĩ tiêu cực về hàng rong thì cũng không xa lạ với những gì các nhà xã hội học thuộc trường phái Chicago (Mỹ) đã nói vào đầu thế kỷ 20. Quả vậy, theo các nhà xã hội học thuộc trường phái này thì sự phát triển của đô thị cũng giống như sự phát triển trong thế giới tự nhiên, mà cụ thể là sự phát triển của hệ sinh thái, nên người ta còn gọi trường phái xã hội học Chicago là “Sinh thái học nhân văn” (Human ecology). Trong nhãn quan của trường phái này, các mối quan hệ không gian giữa người với người trong đô thị bị chi phối bởi hai yếu tố giống y như trong thế giới tự nhiên đó là sự cạnh tranh (competition) và sự chọn lọc (selection).
Theo đó, con người trong đô thị cũng cạnh tranh với nhau để chiếm lĩnh các không gian đô thị thuận tiện nhất cho mình và những nhóm nào mạnh mẽ hơn sẽ chiếm được các không gian sinh tồn tốt hơn. Nhìn về TPHCM thì quận 1 rõ ràng là một không gian sinh tồn tốt và thuận lợi nên dĩ nhiên các nhóm mạnh muốn đẩy các nhóm yếu hơn, tức những người bán hàng rong, ra khỏi khu vực này cũng là điều dễ hiểu.
Do đó mà trong đô thị sự phân bố không gian giữa các nhóm sẽ phụ thuộc vào tương quan lực lượng giữa các nhóm, và thông thường, những nhóm yếu thế hơn sẽ bị đẩy ra ngoài rìa khu vực trung tâm của đô thị bằng nhiều cách như việc giải tỏa các khu nhà ở lụp xụp trong trung tâm để nhường chỗ cho các tòa nhà chọc trời, dành cho các hoạt động kinh tế và thương mại của những nhóm mạnh hơn.
Quan điểm của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi là rất nhân văn, nhưng cái cần là chính quyền thành phố phải có những chỉ đạo, những chính sách làm sao để những nhóm người yếu thế vẫn có thể kiếm sống trong không gian tốt, nhiều lợi thế của đô thị, để họ không bị đẩy ra những khu vực ngoài rìa của đô thị mới là điều quan trọng và khó khăn hơn.
----------------------------
(*) Giảng viên xã hội học, Đại học Mở TPHCM
(1) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ong-phan-van-mai-noi-khong-dep-hang-rong-o-quan-1-1085649.ldo.