(KTSG Online) - Từng được xem là tấm vé vàng bảo đảm một tương lai thu nhập ổn định, nhưng giờ đây, việc làm trong ngành công nghệ không còn được giới trẻ Trung Quốc xem là sự lựa chọn hàng đầu của họ khi các “ông lớn” trong ngành này đối mặt với tương lai bất ổn do chiến dịch siết chặt quản lý của Bắc Kinh sau nhiều năm tăng trưởng bùng nổ.
Các công ty internet mạnh tay sa thải nhân sự
Xiang Zikui, một phụ nữ trẻ ở Thâm Quyến, làm việc tại bộ phận phát triển game của một trong những công ty internet lớn nhất Trung Quốc, cho biết cô sốc khi nghe thông tin về đợt sa thải quy mô lớn tại iQiyi, một nền tảng phát sóng phim ảnh trực tuyến, được ví như là “Netflix của Trung Quốc”.
Hồi đầu tháng 12, iQiyi, thuộc sở hữu của hãng tìm kiếm Baidu, tiến hành cắt giảm hơn 30% lực lượng nhân sự tại một số bộ phận có chi phí hoạt động cao.
Gần đây, nền tảng tạo và chia sẻ video ngắn Kuaishou cũng bắt đầu loại bỏ những nhân viên bị chấm điểm thấp trong các bài đánh giá hiệu suất lao động. Báo chí địa phương cho biết công ty này có thể sa thải 10-30% nhân sự.
Cả hai công ty trên không nằm trong mục tiêu trực tiếp của chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ kéo dài một năm qua của Bắc Kinh. Nhưng động thái cắt giảm việc làm trên cho thấy môi trường tổng thể đang trở nên khó khăn hơn đối với các công ty internet trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt các quy định quản lý, giám sát nội dung và không khoan nhượng với hành vi kinh doanh độc quyền.
Xiang Zikui nói: “Việc sa thải lao động có thể liên quan nhiều hơn đến xu hướng chung của ngành công nghệ. Hiện nay, giới chức trách đưa ra nhiều quy định quản lý chặt chẽ về nhiều mảng, bao gồm video game, quảng cáo trực tuyến và mọi thứ liên quan đến quyền riêng tư. Điều này khiến tôi cảm thấy ngành công nghệ có thể đang đối mặt nút thắt tắc nghẽn”.
Bầu không khí trong ngành công nghệ của Trung Quốc thay đổi mạnh mẽ và đột ngột sau một thập niên tăng trưởng ngoạn mục nhờ các quy định còn lỏng lẻo và nguồn vốn huy động dễ dàng. Các nhân viên công nghệ có tay nghề cao, tốt nghiệp các trường đại học ưu tú của đất nước, từng được các “ông lớn” công nghệ cạnh tranh chiêu mộ bằng các mức lương cao ngất ngưởng, đang đứng trước tương lai bất ổn.
Xiang Zikui cho biết: “Ngày nay, nhiều người xung quanh tôi nói rằng các công ty internet không còn là lựa chọn đầu tiên của mọi người cho công việc của họ nữa. Và một số người giờ đây muốn làm việc cho các công ty nhà nước hoặc thi tuyển công chức”.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi nền tảng tìm kiếm việc làm Lagou của Trung Quốc, chưa đến một nửa số nhân viên tại các công ty internet ở nước này hy vọng nhận được tiền thưởng vào cuối năm nay. Một báo cáo khác của Lagou được công bố trong tháng 12 cho thấy trong tháng 11, nhu cầu tuyển dụng nhân tài của các công ty internet lớn giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhân viên công nghệ định hướng lại nghề nghiệp
Một số nhân viên trong ngành công nghệ đang xem xét lại định hướng nghề nghiệp của họ. Feng Xing, một kỹ sư phần mềm, làm việc tại một công ty nhà nước ở thành phố Thành Đô, tiết lộ nhiều đồng nghiệp mới của anh đến từ các công ty internet lớn.
Theo Xing, một yếu tố dẫn đến xu hướng nhảy việc này là độ tuổi trần 35 được nói đến nhiều trong ngành công nghiệp internet, nơi những người trên 35 tuổi thường bị các nhà tuyển dụng xa lánh và có nguy cơ cao bị sa thải trong các đợt cắt giảm nhân sự trừ khi họ đã leo lên nắm giữ các chức vụ quản lý cấp cao.
Kelly Huang từng làm việc tại một trong những nền tảng phát sóng trực tiếp (live streaming) bán hàng lớn nhất Trung Quốc. Cô cho biết hiện nay chiến dịch chấn chỉnh của Bắc Kinh gần như dập tắt mơ ước tham gia ngành công nghiệp này của giới trẻ.
Cô nói: “Rốt cục, các nền tảng phát sóng trực tiếp kiếm được hầu hết thu nhập từ những gì về cơ bản là các vùng xám (chưa được quản lý chặt chẽ). Trước đây, các nền tảng này kiếm được rất nhiều tiền nhưng hiện nay tốc độ tăng trưởng doanh thu của họ đang đi ngang”.
Ngành công nghiệp “live streaming” bị giới chức trách Trung Quốc liên tục chỉ trích trong những tháng gần đây vì cho phép phát sóng nội dung thô tục, giả mạo số lượt truy cập và đánh giá sản phẩm không trung thực cũng như để xảy ra hành vi trốn thuế của những người ảnh hưởng (influencers).
Hôm 20-12, Huang Wei, được biết đến với biệt danh Viya, ngôi sao bán hàng trực tuyến trên một nền tảng “live streaming” của Alibaba đã bị giới chức trách phạt khoản tiền phạt kỷ lục 1,34 tỉ nhân dân tệ (210 triệu đô la) vì tội trốn thuế bằng cách che giấu thu nhập cá nhân. Tổng cục Thuế nhà nước Trung Quốc cho biết Huang Wei đã trốn thuế khoảng 110 triệu đô la.
Kelly Huang cho biết triển vọng sa sút của ngành công nghiệp bán hàng qua phát sóng trực tiếp khiến cô nản chí và bỏ việc để gia nhập một công ty phát triển phần cứng.
Người dùng internet cũng bị “chấn chỉnh”
Nhưng không chỉ người lao động bị ảnh hưởng bởi cách tiếp cận cứng rắn của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ trong năm 2021, mà người dùng các dịch vụ internet cũng buộc phải thay đổi hành vi để tuân thủ các quy định mới.
Hồi tháng 8, các cơ quan quản lý Trung Quốc cấm trẻ dưới 18 tuổi chơi game video hơn 3 tiếng mỗi tuần đồng thời dừng cấp phép các game mới.
Bắc Kinh cũng tăng cường giám sát nội dung trực tuyến và yêu cầu các nền tảng nội dung phải tuân thủ và phát huy các giá trị văn hóa tích cực.
Xiuli Zhou, một người dùng internet tại Thượng Hải, nhận thấy cô ngày càng khó trao đổi với người khác trên nền tảng truyền thông xã hội Douban, nơi cư dân mạng bàn luận về các chủ đề như phim, sách và các vấn đề thời sự sau khi nền tảng này tạm dừng chức năng trả lời trong các nhóm thảo luận vì lý do kỹ thuật. Tuy nhiên, người dùng suy đoán Douban phải làm như vậy để ứng phó với chiến dịch chấn chỉnh của Bắc Kinh đối với các mạng xã hội, các câu lạc bộ người hâm mộ trực tuyến và ngành công nghiệp giải trí.
Hồi đầu tháng này, Douban cùng 105 ứng dụng khác bị gỡ khỏi các kho ứng dụng vì bị cáo buộc vi phạm dữ liệu cá nhân sau khi bị phạt tiền “vì phổ biến thông tin bất hợp pháp”.
Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết trong 11 tháng đầu năm nay đã xử phạt mạng xã hội Weibo tổng cộng 44 lần với tổng số tiền phạt là 14,3 triệu nhân dân tệ vì liên tục cho phép phổ biến "các thông tin bị cấm".
Tài khoản của Xiuli Zhou ở nền tảng Weibo cũng bị cấm đăng bài không rõ lý do. Kết quả là cô phải sử dụng ngôn ngữ quan thoại được Latin hóa để thay thế một số từ ngữ bị kiểm duyệt. Cô cho rằng chính sách kiểm duyệt này xuất phát từ mục đích tốt, giúp thúc đẩy sự phát triển lành mành của ngành công nghiệp internet, nhưng giới chức trách cần phải đưa ra các quy định rõ ràng về những gì người dùng internet được phép làm và không được phép làm trên không gian mạng.
Theo South China Morning Post