Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Viên pin tiểu trong đài truyền hình đi về đâu?

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong khuôn viên mặt bằng tầng trệt của Đài Truyền hình TPHCM (HTV) có một thùng carton nhỏ dùng để thu hồi pin đã qua sử dụng trong chương trình “Cùng HTV hành động xanh” của nhà đài này mấy năm qua.

Nhưng, có lẽ nhiều người không biết, HTV là đơn vị sử dụng nhiều pin bởi nhiều trang thiết bị của HTV dùng pin và pin đã qua sử dụng là chất thải gây hại môi trường sống đứng đầu bảng trong nhóm sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, từ nhà riêng như pin cho cái điều khiển ti-vi, đồng hồ treo tường..., cho tới công sở như HTV là pin cho máy quay, đèn chiếu sáng…

Thông thường, khi pin không còn giá trị sử dụng, phần đông người dân có thói quen vứt bừa bãi hoặc bỏ chúng vào thùng rác, bịch nylon rác gia đình như các loại rác thải khác, để rồi xe rác sẽ đưa chúng tới bãi, sẽ xử lý bằng phương pháp phổ biến ở TPHCM hiện nay là chôn lấp.

Các nhà khoa học cho rằng lượng thủy ngân có trong một viên pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc một mét khối đất trong 50 năm. Thủy ngân từ các nguồn ô nhiễm khi xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc hít thở, chúng có thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch… Ngay cả khi không chôn lấp, xử lý rác bằng cách đốt phát điện thì pin thải ra môi trường sống khói bụi rất nguy hiểm.

Và đó là lý do mà trong dự thảo tính toán định mức chi phí tái chế chất thải ở Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chi phí tái chế pin sạc, pin thông thường đứng đầu danh sách chất thải cần tái chế, lên tới hơn 80.000 đồng/kg sản phẩm, thậm chí có tổ chức còn đề xuất chi phí tái chế pin phải hơn 100.000 đồng/kg sản phẩm.

Trách nhiệm tái chế sản phẩm, trong đó có pin, thuộc về nhà sản xuất, nhập khẩu đã được quy định trong Điều 54, Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc (khoản 1 Điều 54). Khoản 2 của điều này quy định doanh nghiệp có thể tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (trong trường hợp doanh nghiệp không tái chế được).

Để dễ hình dung, chúng ta mua pin tiểu hiện nay tùy theo nhãn hiệu, có thể 200.000-300.000 đồng/kg sản phẩm thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải chi ra số tiền để thu hồi, tái chế, thuê doanh nghiệp đủ điều kiện để tái chế hoặc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam với định mức chừng 80.000 đồng/kg.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp có thể tự tổ chức tái chế, thuê đơn vị tái chế, hoặc kết hợp các phương án trên. Thế nhưng cho tới nay, định mức chi phí tái chế (viết tắt là Fs), bao gồm phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì (gọi tắt là chi phí tái chế) và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu vẫn chưa ban hành. Năm ngoái Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo trình Thủ tướng ký quyết định ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ và các doanh nghiệp hiện đang trông chờ vào quyết định này.

Người viết bài này đang muốn thu hồi pin cũ của gia đình mình, rồi vận động anh em cơ quan thu hồi pin cũ như cách HTV đang “hành động xanh”, nhưng thu gom có pin cũ rồi thì giao pin ấy cho ai, hay đưa xe rác và nằm chung trong các loại rác thông thường?

Một người có trách nhiệm của HTV nói với tôi rằng pin thải loại được Công ty Môi trường Á Châu thu gom xử lý. Đến đây thì mọi người đã biết các viên pin đã qua sử dụng ở HTV sẽ được xử lý như các chất thải nguy hại khác.

Trên trang web của công ty thì việc tham gia thu gom pin cũ được thực hiện trong nhiều năm qua để xử lý chất thải nguy hại nhưng liệu hàng triệu hộ gia đình ở thành phố này biết tới công ty ở đâu, điểm thu gom chỗ nào để giao pin cũ?

Chừng nào các nhà kinh doanh pin Con Thỏ, Con Ó, pin Maxell, Energizer, Philips, Toshiba, Panasonic… trên thị trường Việt Nam công bố các điểm thu gom pin đã qua sử dụng để tự tái chế hoặc cho đối tác tái chế thì chừng ấy việc phân loại rác thải, trong đó đặc biệt là pin, mới có ý nghĩa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn tháng 6 là Tháng hành động vì môi trường bởi ngày 5-6 hàng năm là Ngày Môi trường quốc tế. Nhưng, chừng nào pin thải loại hay các sản phẩm nằm trong quy định tái chế mà không tái chế thì khó có thể gọi là “hành động vì môi trường”.

2 BÌNH LUẬN

  1. Trước giờ tôi cũng hay giữ lại pin cũ và đến siêu thị big C (GO) bỏ vào thùng thu pin cũ. Các siêu thì khác cũng nên có thùng thu gom pin cũ thì thuận lợi hơn cho mọi người 😀

  2. Bảo vệ môi trường, là tốt. Nhưng cách làm như thế nào mới là quan trọng nhất. Ví dụ câu chuyện phân loại rác, từ hộ gia đình là OK, nhưng khi đến nơi gom rác chung của công ty môi trường thì mọi thứ rác đều biến thành “ùm bà làng” ? Chiến lược bảo vệ môi trường phải đi liền với nguyên tắc xã hội hóa + thị trường hóa. Xã hội hóa, để huy động sự vào cuộc của toàn dân, toàn cục, toàn cầu. Đây là phương châm đầu tiên, mang tính sống còn. Thị trường hóa, nói nôm na là quy ra tiền mọi nghĩa vụ và quyền lợi (phải chi/ được hưởng) cho mọi tổ chức/ cá nhân có liên quan đến việc gây ra ô nhiễm/ hoặc có thành tích bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường, thực chất là một cuộc chuyển đổi vĩ đại về ý thức sinh tồn của loài người. Từ chỗ sinh tồn mang tính tự nhiên (hồn nhiên), đi đến sinh tồn kiểu tự do (hủy diệt), và cuối cùng là sinh tồn tự tại (tỉnh thức).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới