Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt kiều Mỹ… gốc Hoa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt kiều Mỹ… gốc Hoa

(TBKTSG) – Cơ sở của người bạn ấy ở San Gabriel, Orange County, bình thường có hơn chục nhân viên. Anh làm dịch vụ trang bị kỹ thuật cho ngành tạo mẫu may mặc. Công việc ổn định và khá bận rộn.

Nhưng sau cơn bão hồi tháng 9-2008 tình hình đã xấu đi nhanh. Khách hàng giảm mạnh, nhân viên chỉ còn vài ba người gọi là để duy trì, và không có anh thì cũng chẳng sao. Thế là anh quyết định về Việt Nam chơi và thăm chúng tôi.

Gọi là thăm chúng tôi, vì gia đình anh không còn ai ở Việt Nam. Tại nước nhà chỉ còn tôi và một người bạn khác là chỗ thân thiết của anh. Chúng tôi là bạn hồi còn học đại học. Anh dung dị, bình thường, chẳng phải người học cao hay xuất sắc gì về phương diện sự nghiệp. Nói rõ hơn, anh chẳng có gì nổi bật để tôi có thể viết về anh. Nhưng khi gặp lại và nói chuyện với anh, tự nhiên tôi bị thôi thúc viết. Anh không có gì đặc biệt, nhưng anh là một trong số những người Việt đặc biệt đang sống ở nước ngoài…

Những người Việt ấy có tình tự đan xen, lặng thầm nỗi niềm tôi là ai của những ngày xưa thân ái… Họ thấy gì khi nhìn lại phía sau mình, nghĩ gì khi quay về gốc gác là điều còn ẩn giấu. Như anh bạn đang ngồi với tôi đây, anh nghĩ gì về nơi chôn nhau cắt rốn, cảm nhận thế nào về chốn cũ quê nhà… thì khó mà biết được.

Cho dù anh sinh ra và lớn lên ở đây, dù phần đời và tình cảm ấy cứ mãi in đậm và bám chặt theo anh, nhưng anh lại không như những người Việt xa xứ khác. Tại sao? Vì anh gốc Hoa, ba mẹ anh là người Hoa xưa kia sinh sống ở Chợ Lớn. Vợ anh cũng vậy, từ nhỏ đến khi trưởng thành hầu như chỉ sinh hoạt trong cộng đồng người Hoa, và chị cũng chẳng còn ai gần gũi ở đây. Nay anh chị lại là dân Mỹ, từ lâu mang quốc tịch Hoa Kỳ, sinh con đẻ cái bên ấy, và cả đại gia đình lâu nay cũng sống ở Mỹ. Hoàn cảnh như vậy làm tôi cứ ngờ ngợ tình cảm quê nhà liệu có nhàn nhạt trong anh…

Thế nên, trong một dịp cùng đi Vũng Tàu chơi, tôi bất ngờ hỏi: “Mày nghĩ mày là người gì?”. Nói bất ngờ, nhưng câu hỏi này tôi đã định bụng sẵn và đề nghị anh trả lời nhanh. Và anh cũng đã trả lời nhanh: “Thì tao là người Việt, là người Việt chứ, ba mẹ tao cũng Việt…”. Sau một chút ngập ngừng, anh tiếp: “Người Việt gốc Hoa, công dân Mỹ, nhưng con tao thì không phải như tao…”.

Tôi cảm thấy vui vui và xúc động. Vì dù rất lâu mới gặp lại và chúng tôi không thấy có khoảng cách nào, cách nói của anh cho thấy ít nhiều tấm lòng người bạn thân của mình vẫn còn đặt ở đây. Cảm nhận gần gũi thoáng chút quê nhà như vậy sau đó còn nhiều và tự nhiên hơn. Có thể bắt gặp qua cái hồn tiếng Việt lúc anh nói chuyện, sự chân thành trong giao tiếp bạn bè. Chúng tôi đã rủ nhau đi xe đò về thăm trường cũ. Những ngày lưu lại Đà Lạt thật quý giá và cảm động. Khi đám quỷ cùng lớp đàn hát với nhau, anh cũng nghêu ngao cho tới khuya, nào… em tan trường về, nào… adieu jolie candy, nào… tôi sẽ đi thăm…

“Mấy chục năm sống ở Mỹ mà mày vẫn rất Việt”, tôi nói, “Việt chẳng thua bọn tao và có thể còn hơn nhiều người không phải Tây”… Ồ không, anh đỡ lời, “ngay người Mỹ thì bình thường họ cũng đâu có khác quá như mình nghĩ”. Thật vậy, đừng nhìn Las Vegas mà tưởng dân Mỹ ăn chơi hưởng thụ. Tại không ít bang ở Mỹ, casino và các hoạt động văn hóa kém lành mạnh lâu nay vẫn không có đất sống. Đừng thấy xe hơi nườm nượp trên đường mà nghĩ người Mỹ xài sang. Có lẽ không phải vậy. Đó chỉ là khía cạnh của nếp sống tiện nghi, hay do nhịp độ xã hội họ quý sự riêng tư thôi. Họ đi xe nhiều cũng có thể vì xe rẻ, đường sá thênh thang, nhưng với họ xe chỉ là phương tiện chứ không phải để… dẫn đầu hay… cho người thành đạt. Khuynh hướng tiết kiệm đã làm cho những chiếc xe uống xăng như nước lỗi thời nhanh. Chiếc Land Cruiser dù giá đã hạ hơn phân nửa thì lâu nay vẫn khó bán.

Dân Mỹ xài nhiều nhưng tính kỹ. Vào thời buổi khó khăn thì ai lại chẳng tính. Thế nên các làn car pool (lane ưu tiên dành cho xe đi chung) trên các xa lộ nay đã đông hơn. Hay ngay như lối sống của giới trẻ cũng đã thay đổi. Xưa con cái thành niên là thích ra ở riêng, nay không ít cô cậu Mỹ đã có gia đình lại dọn về sống cùng cha mẹ. Vâng, gia đình là ước lệ sống có giá trị bất biến vậy! Chỗ này chúng tôi trao đổi nhiều và cũng học được từ anh câu: nhà có lão thì cũng như có bảo. Lão ở đây là người lớn tuổi và bảo là sự quý giá.

Tôi biết từ lâu anh đã trông đợi chuyến về Việt Nam này. Nhiều lần anh nói “thèm về quá”. Về? Không là quê sao có thể nói về. Bấy nhiêu cũng đủ cho thấy chút quê nhà không dễ nhạt trong những người Việt đặc biệt như anh. Thế nhưng, chuyến về thăm của anh vẫn thật bất ngờ với tôi, với việc làm ăn của anh. Là vì mới hồi tháng 7-2008, lúc tôi gặp lại anh ở Mỹ, trông anh vẫn còn bận tíu tít. Lúc đó, khi biết tôi ghé San Diego, anh sốt sắng lên lịch hẹn. Từ San Gabriel, nơi anh ở, đi San Diego mất độ hai tiếng lái xe, vậy mà chưa đến 6 giờ khi tôi đang còn ngủ thì điện thoại reo. Có nghĩa anh đã đi từ 4 giờ sáng.

Nhưng lần gặp sau mấy chục năm ấy đúng chỉ là gặp mặt, chỉ để xem “mày ra sao” thôi, vì tôi có ít thì giờ mà anh cũng vội về cho kịp việc. Chúng tôi vừa ăn sáng vừa hỏi han nhau về gia đình và cuộc sống. Anh có hai con trai, cuộc sống khá nề nếp và tươm tất nhờ một tay chị. Cho dù ở Mỹ tuổi mười sáu đã có thể lái xe, và con anh nay đã vào đại học, anh chị vẫn tự mình đón đưa. Việc này theo anh có hai ba cái lợi: Thứ nhất, để tụi nó bớt bớt tự do, nhất là tự do sống theo lối Mỹ. Thứ hai, để duy trì sợi dây tình cảm gia đình theo cách Á Đông. Và thứ ba là để tiết kiệm. Anh cho biết, những điều anh nói không xa lạ hay khác biệt gì lắm với không ít gia đình Mỹ chính tông. Ít ra là trong thời buổi khó khăn gần đây.

Khi anh đã trở về Mỹ được một tuần, thì giữa tháng 11, tôi lại đón một người bạn thân khác, cũng hồi hương giữa mùa bão toàn cầu sau ba mươi năm xa cách. Người bạn này có gốc gác gia đình và hoàn cảnh vợ con giống anh kia đến kỳ lạ, cả hai anh chị cũng chẳng còn ai ở đây… Chỉ khác, anh là Việt kiều Úc gốc Hoa.

HUY NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới