Thứ Ba, 8/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam đang tận dụng được lợi thế của CPTPP tại thị trường châu Mỹ

Công Phương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ năm 2019 đã thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên, điển hình là thị trường châu Mỹ. Điều này được thể hiện tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỉ đô la Mỹ năm 2018 lên đến 13,6 tỉ đô la năm 2023.

Đây là thông tin được Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương trích dẫn từ hội thảo “CPTPP: Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác châu Mỹ” do Bộ Công Thương vừa tổ chức.

Theo Bộ Công Thương, sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1-2019, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực Châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm Canada, Mexico, Chile và Peru.

Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56.3%, từ 8,7 tỉ đô la Mỹ năm 2018 lên đến 13,6 tỉ đô la năm 2023 mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỉ đô la vào năm 2018 lên 11,7 tỉ đô la năm 2023. Xuất siêu ở các thị trường này cũng tăng gần gấp 3 lần, từ 3,9 tỉ đô la lên hơn 11 tỉ đô la, góp phần tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua.

Kết quả này đã góp phần đáng kể vào thương mại của Việt Nam với khu vực châu Mỹ nói chung, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 137,7 tỉ đô la, trong đó Việt Nam xuất khẩu 114, 5 tỉ đô la.

Đơn cử như với Canada, sau khi thực hiện hiệp định CPTPP, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Canada trong năm 2023 đã tăng trưởng gấp đôi kể từ năm 2017. Ở chiều ngược lại, CPTPP cũng đóng góp đáng kể cho quan hệ thương mại giữa Canada và các nước thành viên. Nhờ đó, các doanh nghiệp Canada đã tiến sâu hơn vào các thị trường mới với khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn, mạnh mẽ hơn từ việc tận dụng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định CPTPP cùng với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ đầu tư.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, một lợi thế nữa cho Việt Nam là khi tham gia CPTPP đã thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành chuyên nghiệp hơn mà còn góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian tới, tổng kim ngạch của Việt Nam với các thành viên trong CPTPP được dự báo tăng lên. Cụ thể, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, các nước thành viên Hiệp định CPTPP đang tiến hành rà soát tổng thể toàn bộ việc thực thi Hiệp định này nhằm tạo ra không gian hợp tác mới. Quá trình thực thi hiệp định cũng cho thấy, dư địa để tăng trưởng, trao đổi thương mại còn rất lớn, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với các nước CPTPP còn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP và nhiều nền kinh tế khác cũng xin gia nhập sẽ tạo thêm cơ hội phát triển hợp tác.

Theo Bộ Công Thương, châu Mỹ là thị trường rộng lớn và có sự liên kết chặt chẽ với nhau thông qua các khối thương mại tự do đan xen như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA), Liên minh Thái Bình Dương (PA), Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)… Tận dụng các lợi thế mà Hiệp định CPTPP mang lại, cùng với các vị trí cửa ngõ thuận lợi các nước thành viên trong khu vực là Canada, Mexico, Chile và Peru, các doanh nghiệp có thể xem xét thông qua việc xuất khẩu và đầu tư sản xuất tại các nước nêu trên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang khu vực thị trường sôi động và đầy tiềm năng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới