(KTSG Online) - Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược). Trong đó, đến năm 2030, tỷ lệ học sinh trên cả nước hoàn thành cấp trung học phổ thông đạt 95%.
- Vàng tiếp tục tăng giá, có nơi giá vàng nhẫn vượt vàng miếng
- Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cần 2.400 nhân lực
Chiến lược hướng tới xây dựng một nền giáo dục hiện đại, hội nhập quốc tế, vừa kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc, vừa đón nhận những thành tựu của khoa học - công nghệ tiên tiến. Mục tiêu cuối cùng là đào tạo ra những công dân toàn diện, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của một đất nước phát triển bền vững trong thời đại mới, TTXVN đưa tin.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Đối với giáo dục mầm non, Chiến lược hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Cụ thể, Việt Nam phấn đấu đạt 100% trẻ em 5 tuổi được đến trường, đồng thời tăng cường tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non.
Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục được nâng cao, đảm bảo trẻ em được phát triển toàn diện, chuẩn bị vào học lớp 1 và 100% giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ theo quy định.
Đối với giáo dục phổ thông, Chiến lược tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục ở tất cả các cấp học. Cụ thể, tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,7%, trung học cơ sở đạt 99%, hoàn thành cấp trung học phổ thông đạt 95% và 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Chiến lược khuyến khích sự đa dạng hóa các hình thức giáo dục phổ thông, bao gồm cả trường công lập và tư thục.
Về giáo dục đại học, số sinh viên đại học/1.000 dân đạt ít nhất là 260, tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm độ tuổi 18 - 22 đạt ít nhất 33%, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40% và tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu Việt Nam có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 5 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á.
Đối với giáo dục thường xuyên, Việt Nam hướng tới tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt 99,15%, nâng cao tỷ lệ người biết chữ, đặc biệt ở vùng khó khăn.
Chiến lược cũng hướng tới mở rộng mô hình thành phố học tập trên toàn quốc, phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 10 đơn vị hành chính tham gia vào Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.