(KTSG Online) - Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực trong công nghệ công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2030 với kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế số trong nước.
- Sắp có khu công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo rộng 220 hecta ở Bình Dương
- Khuyến khích các tập đoàn năng lượng, công nghệ của Mỹ đầu tư vào Việt Nam
Đây là nội dung nằm trong Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành, TTXVN đưa tin.
Cụ thể, để xây dựng một hệ sinh thái blockchain vững mạnh, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển 20 thương hiệu blockchain có tiềm năng cạnh tranh cao, đồng thời đầu tư vào cơ sở hạ tầng với ít nhất 3 trung tâm thử nghiệm.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Chương trình Hành động giai đoạn 2024-2030 với 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển, nghiên cứu và hợp tác quốc tế.
Mỗi nhiệm vụ trên sẽ do các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và chịu trách nhiệm thực hiện.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc phối hợp cùng các bộ, ngành để phát triển các nền tảng blockchain "made in Vietnam". Đồng thời, đơn vị này sẽ xây dựng các cơ chế để kết nối và vận hành hệ thống blockchain quốc gia, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau phát triển và cạnh tranh trên trường quốc tế.
Trước đó, ngày 8-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét và đưa ra ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày.
Đây là lần đầu tiên tài sản số chính thức được thừa nhận là một loại tài sản vô hình và được pháp luật bảo hộ một cách đầy đủ theo quy định của pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và các luật liên quan khác.
Việc đưa ra định nghĩa pháp lý về tài sản số trong luật nhằm hiện thực hóa cam kết của Việt Nam trong cuộc chiến chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, góp phần đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) trước thời điểm tháng 5-2025.