Chủ Nhật, 21/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam đạt thỏa thuận gói tài chính 15,5 tỉ đô la cho quá trình chuyển đổi xanh

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Gói tài chính khí hậu bước đầu 15,5 tỉ đô la do nhóm đối tác quốc tế gồm EU, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch cam kết thực hiện sẽ là đòn bẩy hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đầy tham vọng về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam và các đối tác đạt thỏa thuận gói tài chính chuyển đổi năng lượng xanh. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN – EU, Việt Nam cùng nhóm đối tác quốc tế bao gồm EU, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã công bố Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam, nhóm G7 và các nước đối tác.

Gói tài chính khí hậu này bước đầu sẽ huy động 15,5 tỉ đô la Mỹ từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Được biết, chương trình này sẽ là đòn bẩy hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đầy tham vọng về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Chương trình đưa ra 4 mục tiêu: Đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến ở Việt Nam từ năm 2035 thành năm 2030. Giảm phát thải đỉnh của ngành điện tối đa là 30% đến năm 2030, tức từ 240 triệu tấn CO2 xuống 170 triệu tấn CO2. Giảm công suất điện than của Việt Nam từ 37GW theo kế hoạch hiện tại xuống còn 30,2GW và đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, để năng lượng tái tạo chiếm 47% tổng lượng điện được tạo ra đến năm 2030 (so với tỷ trọng hoạch định hiện nay là 36%).

Thực hiện thành công 4 mục tiêu trên sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khoảng 500 triệu tấn khí nhà kính từ giờ đến năm 2035.

Dẫn nguồn Cổng thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 15,5 tỉ đô la sẽ có khoảng 200 triệu đô la là viện trợ không hoàn lại, phần còn lại là cho vay với lãi suất thấp. Trong năm 2023, Việt Nam phải làm việc với các đối tác để xây dựng và thông qua kế hoạch huy động nguồn lực.

Việt Nam là quốc gia thứ ba đạt thỏa thuận JETP, sau Nam Phi và Indonesia. Là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, JETP Việt Nam đang chứng minh rằng, tăng trưởng kinh tế có thể tách rời khỏi việc tiêu thụ năng lượng nhiên liệu hóa thạch. JETP Việt Nam được xây dựng dựa trên quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) của nhóm các quốc gia G7 do Vương quốc Anh khởi xướng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới