Thứ Sáu, 19/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam đối mặt với áp lực lạm phát tăng cao trong năm 2022

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Xu hướng tăng giá của các mặt hàng gồm xăng dầu, than sẽ khiến giá các mặt hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Thị trường hàng hóa đang đối mặt với áp lực tăng giá, khi mà các mặt hàng như xăng dầu, than tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá thành phẩm. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Thông tin này được ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2021.

Ông Hải cho biết kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh trong năm 2022 khi nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng điều này sẽ tạo áp lực lớn với chỉ số lạm phát (CPI).

“Xu hướng tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá thành phẩm cao hơn, qua đó đẩy giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác”, ông Hải nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại họp báo. Ảnh: Nhật Bắc.

Trước đó, tại cuộc họp tổng kết công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát quý 3, đại diện Bộ Tài chính dự báo việc kiểm soát lạm phát năm 2022 ở mức 4% theo mục tiêu do Quốc hội đặt ra sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn.

Theo đó, dự báo của các cơ quan chuyên môn nhận định CPI năm 2022 có thể vượt mức 4% nếu diễn biến chung trên thị trường nhiều bất lợi, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước lớn sẽ tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước.

Để giải quyết vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải cho biết các Bộ, ngành sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ giá cả, diễn biến, tình hình lạm phát của các nước trên thế giới.

“Chúng ta có sự tham khảo kịp thời để đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả và lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt cần đánh giá nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn trong nước, để từ đó đưa ra được chính sách đối ứng cho phù hợp”, ông Hải nói.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất – kinh doanh để bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hoá, qua đó giảm áp lực lạm phát.

Bên cạnh đó, cần có thông tin kịp thời rõ ràng, chính xác về các chính sách chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.

Cuối cùng, đàm phán để có được nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp, ký kết các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, ổn định sản xuất, qua đó kiểm soát lạm phát cũng như đảm bảo ảnh hưởng ít nhất đến đời sống của người dân, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động này, theo ông Hải, là cần thiết trong bối cảnh giá cả nguyên liệu trên thế giới dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới