Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam không ghi điểm trong báo cáo của WEF

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam không ghi điểm trong báo cáo của WEF

Tư Hoàng

Việt Nam không ghi điểm trong báo cáo của WEF
Tỷ lệ nhập học tiểu học xếp hạng cao không đủ làm Việt Nam cạnh tranh. Ảnh TL SGT.

(TBKTSG Online) Năng lực cạnh tranh của Việt Nam gần như không thay đổi trong bản báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ( WEF) công bố hôm nay, ngày 3-9.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014 (Global Competitiveness Report), Việt Nam giữ vị trí 68 (tăng 2 bậc so với năm ngoái) trong tổng số 144 nền kinh tế được đánh giá. Năm ngoái, Việt Nam xếp thứ 70 trong tổng số 148 nền kinh tế trong báo cáo của WEF.

Thứ hạng năm nay cho thấy, Việt Nam xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Chuẩn mực trung bình về môi trường kinh doanh của các quốc gia Asean này đang là mục tiêu mà Việt Nam hướng tới vào năm 2015, theo Nghị quyết 19 của Chính phủ công bố hồi đầu năm nay.

Một số tiêu chí mà Việt Nam được đánh giá cao nhất là tỉ lệ nữ giới tham gia lao động (xếp 23), tỷ lệ đăng ký học tiểu học (29), tỷ lệ ca sốt rét/100.000 dân (25),…

Trong khi đó, Việt Nam lại ghi điểm xấu với những tiêu chí ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh, như chi trả phi chính thức cho hoạt động xuất nhập khẩu (121), chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung (112), cân bằng ngân sách của Chính phủ (118, âm 5,7% GDP),…

Về tổng thể, tình hình tại Việt Nam được đánh giá gần như không đổi so với năm ngoái. Các tiêu chí có cải thiện gồm kinh tế vĩ mô (hạng 75), các tổ chức công (85), bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (104), độ hiệu quả của thị trường (91), chống tham nhũng (109), cơ sở hạ tầng – năng lượng (81), quy mô thị trường (34), thị trường lao động (49) và trình độ công nghệ (99).

Hệ thống tài chính và ngân hàng được đánh giá còn dễ bị tổn thương.

Báo cáo của WEF cho thấy, Việt Nam đã gần như dậm chân tại chỗ cho dù đã có nhiều mong muốn cải thiện thứ bậc.

Ví dụ, đề án 30 nhằm cải cách thủ tục hành chính – đề án được hi vọng là “bước đột phá” giúp dỡ bỏ những khó khăn vướng mắc do bộ máy hành chính quan liêu gây ra cho người dân và doanh nghiệp – chưa để lại dấu ấn gì trong việc giúp tăng hạng trong các báo cáo tương tự của WEF hay của WB suốt từ khi nó được công bố năm 2011 đến nay.

Gần đây, Chính phủ lại phát động một phong trào nhằm đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của Asean 6 sau khi thông qua Nghị quyết 19 hồi đầu năm nay.

Đã có các ngành thuế, hải quan, xây dựng, đầu tư cam kết sẽ thực hiện hàng loạt cải cách để hiện thực hóa điều này. Tuy nhiên, hầu như các ngành khác không hướng ứng đợt cải cách này, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung.

Nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair trong một cuộc gặp gần đây với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, Việt Nam đã đạt đến giới hạn của giai đoạn cải cách ban đầu, và sẽ rất khó vượt qua giai đoạn này.

Trên thực tế, ông nói, nhiều quốc gia đã không thể vượt qua ngưỡng này. Tuy nhiên, ông nhận xét, quyết tâm chính trị của Việt Nam là “mạnh mẽ” để vượt qua hoàn cảnh này.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới