Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ

Minh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM, Việt Nam là đối tác quan trọng đối với chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nước này đồng thời là một mắt xích thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Phía Mỹ xem việc thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại là xương sống của mối quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ.

Các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn hợp tác Việt Nam – Mỹ năm 2024 diễn ra ngày 6-12. Ảnh: Minh Anh

Mối quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ ngày càng chặt chẽ

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của “xứ sở cờ hoa” tại khu vực ASEAN. Ở chiều ngược lại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

"Kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đã đạt mức kỷ lục 140 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023 và có tiềm năng tăng trưởng mạnh", ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) chia sẻ tại Diễn đàn hợp tác Việt Nam – Mỹ năm 2024 diễn ra ngày 6-12.

Bà Anne Benjaminson, Quyền Tổng Lãnh sự Hợp chủng quốc Mỹ tại TPHCM đánh giá tích cực về mối liên kết chặt chẽ của hai nền kinh tế Việt Nam – Mỹ và vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo bà, hai bên đã có sự liên hệ tích cực khi bước vào năm thứ hai của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Mỹ đang hợp tác với Việt Nam để phát triển lĩnh vực thương mại số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể bán sản phẩm trực tuyến và tiếp cận các thị trường mới.

Một ví dụ điển hình cho nỗ lực này là Biên bản ghi nhớ được ký kết gần đây giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Công thương nhằm thực hiện một chương trình trị giá 3,2 triệu đô la Mỹ tập trung vào đẩy mạnh hoạt động thương mại số.

Ngoài ra, năm nay hai nước đã trao đổi nhiều phái đoàn doanh nghiệp lớn, gồm phái đoàn thương mại nông nghiệp, với sự tham gia của đại diện từ 50 doanh nghiệp và 9 tiểu bang ở Mỹ, do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Alexis Taylor dẫn đầu đến thăm Việt Nam vào tháng 9.

Trước đó, vào tháng 6, phái đoàn gồm 65 đại diện doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh SelectUSA tại Washington (Mỹ). Cũng vào tháng 6, hai nước lần đầu tiên tổ chức thành công Đối thoại Kinh tế Đối tác Chiến lược toàn diện thảo luận về hợp tác kinh tế và chính sách.

Quyền Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM cho rằng, Việt Nam là đối tác quan trọng đối với chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, đồng thời là một mắt xích thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mối liên kết chuỗi cung ứng giữa Mỹ và Việt Nam không phải là một chiều, ví dụ như Việt Nam nhập khẩu sản phẩm bán dẫn do Mỹ sản xuất, được kiểm tra và đóng gói tại các nhà máy trên khắp Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ (US Census of Bureau), tính đến hết tháng 9-2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Mỹ đạt khoảng 109,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,13% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 99,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ đạt 9,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 29,1%.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại, vốn là xương sống của mối quan hệ toàn diện giữa hai nước chúng ta”, bà Anne Benjaminson nói.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), ông Juan Pablo Feregrino cũng cho rằng, quan hệ Việt Nam – Mỹ đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Cả khu vực công và tư của Mỹ đều sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các sáng kiến mới, các lĩnh vực tiềm năng và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay như kinh tế số, thương mại điện tử, năng lượng, y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính…

Dù có nhiều cơ hội nhưng theo bà Anne Benjaminson các doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như chậm trễ do thủ tục hành chính, tiến độ chuyển đổi năng lượng không như mong đợi. Do đó, cần cải thiện các vấn đề này để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước.

Trong khi đó, ông Boon Tiam Tan, Tổng Giám đốc UPS Việt Nam – Thái Lan cho rằng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ củng cố chuỗi cung ứng cần đo lường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và xác định những khoảng trống. Đồng thời, doanh nghiệp phải tính toán đa dạng hóa những gì đang kinh doanh cũng như duy trì một “danh mục” các lựa chọn về vận chuyển.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tạo khả năng hiển thị từ đầu đến cuối thông qua dữ liệu và các năng lực kỹ thuật số để giúp quản lý chuỗi cung ứng. Đồng thời, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải liên kết với các doanh nghiệp hàng đầu hoặc lớn hơn để mô phỏng các phương pháp hay trong ngành.

Nói về cơ hội của Việt Nam trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, ông Giovanni Rojas, đại diện Ban Lãnh đạo AmCham Việt Nam cho biết, sản xuất của các doanh nghiệp ở Việt Nam cần phải hành động để trở thành đối tác cung ứng đầu - cuối chứ không đơn thuần là sản xuất cung ứng các mặt hàng phụ trợ trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Việt Nam đang phát triển thương mại điện tử, đây là cơ hội để các doanh nghiệp có cơ hội giành thêm thị trường.

Còn theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), thời gian tới, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ cần phối hợp chặt chẽ để tiếp tục triển khai hiệu quả khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện như tăng cường hoạt động đối thoại chính sách kinh tế, thương mại ở các cấp nhằm tiếp tục củng cố lòng tin chiến lược, giảm thiểu khác biệt; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp hai bên.

"Cần tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo an ninh, an toàn chuỗi cung ứng; hợp tác nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty Mỹ”, ông Linh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới