Việt Nam sắp có nhà máy sản xuất kim luồn tĩnh mạch
Quốc Hùng
![]() |
Bà Trần Thị Ngọc Thúy nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất tại khu công nghệ cao TPHCM - Ảnh: Quốc Hùng |
(TBKTSG Online) - Hàng triệu sản phẩm kim luồn tĩnh mạch vốn có nhu cầu lớn ở các bệnh viện trên cả nước sắp tới sẽ được cung cấp từ nguồn trong nước thay vì nhập khẩu, sau khi dự án Wembley Medical - được cấp phép tại TPHCM hôm nay - đi vào hoạt động từ năm 2018.
Hôm nay, ngày 29-1, Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị y tế cho Công ty cổ phần nhà máy Wembley Medical.
Theo bà Trần Thị Ngọc Thúy, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT công ty, nhà máy này với tổng vốn đầu tư 230 tỉ đồng sẽ được xây dựng trên diện tích 7.000 m2. Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào giữa năm nay và bắt đầu hoạt động vào năm 2018, chuyên sản xuất các thiết bị dụng cụ y tế, nha khoa, chỉnh hình và thiết bị hồi phục chức năng, đặc biệt là sản phẩm kim luồn tĩnh mạch.
Bà Thúy cho biết, khi đi vào sản xuất ổn định, nhà máy này sẽ đạt khoảng 5 triệu kim luồn tĩnh mạch/năm với giá bán thấp hơn khoảng 20 -30% so với các sản phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ và Đức hiện nay. Kim luồn tĩnh mạch được dùng phổ biến tại các bệnh viện để đưa thuốc vào cơ thể người nhanh nhất qua đường tĩnh mạch.
Đại diện Công ty cổ phần nhà máy Wembley cho biết hiện mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 50 triệu chiếc kim luồn tĩnh mạch phục vụ cho ngành y tế. Với giá thành dao động từ 13.000 – 15.000 đồng một chiếc, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra hàng trăm tỉ để nhập khẩu sản phẩm này. Tuy nhiên, nhà máy này khi đi vào hoạt động cũng chỉ đáp ứng được khoảng 1/10 nhu cầu kim luồn tĩnh mạch hàng năm hiện nay.
Theo bà Thúy, dự án này được đầu tư bằng 100% nguồn vốn của doanh nghiệp Việt Nam theo hình thức chuyển giao công nghệ trọn gói cho người Việt Nam làm chủ toàn bộ từ nghiên cứu, phát triển cho đến sản xuất thành phẩm. Toàn bộ dây chuyền sản xuất của nhà máy sẽ được nhập đồng bộ từ các nước công nghệ tiên tiến.
Trao đổi với phóng viên tại buổi lễ trao giấy chứng nhận đầu tư, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, khuyến khích nhà đầu tư sớm triển khai dự án theo đúng kế hoạch đề ra để thay thế hàng nhập khẩu.
Theo ông Quốc, không riêng sản phẩm kim luồn tĩnh mạch, hiện nay đa số các trang thiết bị y tế khác đang phải nhập khẩu với kinh phí vô cùng lớn. Do đó, Khu Công nghệ cao rất hoan ngênh những doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực này với công nghệ và thiết bị cao.
Mơi đọc thêm:
>>> Việt Nam sắp có nhà máy phân đoạn huyết tương