Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam sẽ làm chủ cuộc chơi tái chế Vonfram

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bên cạnh những hoạt động đổi mới sáng tạo vật liệu công nghệ cao hữu ích, từ năm 2023, Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials (HNX-UpCOM: MSR, “Masan High-Tech Materials”) – Công ty con của Tập đoàn Masan, tập trung vào Dự án xây dựng nhà máy tái chế Vonfram, giúp hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn khi sở hữu chuỗi chu trình khép kín bao gồm thu gom, xử lý tái chế vật liệu phế liệu, trả lại nguyên liệu sản xuất.

Nhà máy chế biến hiện đại của Masan High-Tech Materials tại Thái Nguyên, Việt Nam.

Đưa phế liệu vào guồng quay sản xuất mới

Tham vọng về dự án xây dựng nhà máy tái chế Vonfram được các lãnh đạo Masan High-Tech Materials hé mở từ cuối năm ngoái, nay trình bày rõ hơn cho cổ đông trong Đại hội cổ đông của công ty vào trung tuần tháng 4 vừa qua. Theo đó, Masan High-Tech Materials sẽ xây dựng nhà máy tái chế Vonfram đầu tiên và lớn nhất châu Á tại Thái Nguyên, đồng thời đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế Vonfram và các kim loại quý hàng đầu khu vực.

Tái chế phế liệu để đưa Vonfram vào guồng quay sản xuất mới là hướng đi quan trọng trong bối cảnh nguồn cung thế giới (ngoài Trung Quốc) chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Trong khi đó, nhu cầu vật liệu công nghệ cao sẽ còn tăng lên vì xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực điện tử, viễn thông.

Sản xuất Vonfram chế biến sâu tại Thái Nguyên, Việt Nam.

“Nhu cầu hiện nay ngày càng cao, chúng ta phải đảm bảo được đầu ra. Trữ lượng ở các mỏ hạn chế nên phải tìm kiếm được Vonfram từ các nguồn tái chế, phế liệu để đưa thành sản phẩm Vonfram công nghệ cao cho khách hàng. Trên thực tế, khách hàng đang có nhu cầu, đòi hỏi Công ty cung cấp sản phẩm Vonfram với tỷ trọng nhất định là Vonfram tái chế”, lãnh đạo Masan High-Tech Materials chia sẻ tại đại hội.

Nhà máy tái chế này đặt tại mỏ Vonfram đa kim Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên. Nguồn nguyên liệu đầu vào đến từ hoạt động thu hồi và tái chế nguồn phế thải từ hoạt động sản xuất Vonfram. Mặt khác, Masan High-Tech Materials cũng sẽ thu mua phế liệu, hiện đang nhắm tới một số khu vực thu mua ở châu Á - Thái Bình Dương, để cung cấp đầu vào cho nhà máy tái chế Vonfram.

Theo lãnh đạo Masan High-Tech Materials, ngay cả việc tìm nguồn và thu mua phế liệu Vonfram chất lượng cao ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường địa chính trị như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nguyên vật liệu có chứa Vonfram chưa được tái chế. Theo Hiệp hội Công nghiệp Vonfram Thế giới (ITIA), tỷ lệ tái chế phế liệu các-bua xi-măng có thể lên tới 80%, trong khi các chất xúc tác sử dụng có chứa Vonfram lại thường được chất đống tại các bãi chất thải nguy hại.

Trung tâm công nghệ và đổi mới toàn cầu của Masan High-Tech Materials tại Đức.

Nhà máy tái chế Vonfram sẽ giúp Masan High-Tech Materials giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sơ cấp từ hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời tạo ra chuỗi giá trị khép kín bao gồm thu gom, xử lý tái chế vật liệu phế liệu, trả lại nguyên liệu sản xuất, từ đó cải thiện hiệu suất khai thác và hiệu quả kinh doanh.

Tham vọng của Masan High-Tech Materials không chỉ dừng lại ở câu chuyện tái chế phế liệu của Vonfram, mà xa hơn nữa là dự án tái chế vật liệu pin thải, hay còn gọi là chất đen (hỗn hợp các hạt vật liệu hoạt động của Pin Li-ion và các thành phần chính chứa kim loại có thể tái chế như Coban, Niken, Mangan và Lithium).

Theo Masan High-Tech Materials, dự án hiện đã khởi động với thiết kế kỹ thuật sơ bộ và thử nghiệm thí điểm quy trình tái chế mới. “Vonfram sẽ được thu hồi từ các sản phẩm pin và vật liệu in 3D đã qua sử dụng và tái chế, trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm mới”, lãnh đạo Masan High-Tech Materials chia sẻ.

Sản phẩm pin Li-ion ứng dụng Vonfram cải thiện hiệu suất pin.

Mô hình khép kín là nền tảng cho phát triển bền vững

Với Tập đoàn Masan, hoạt động tái chế là dự án trọng điểm của Masan High-Tech Materials đang được dồn lực để nghiên cứu triển khai. Năm 2023 được xem là thời điểm phù hợp để Masan High-Tech Materials đẩy mạnh hoạt động tái chế sau hàng loạt bước chuẩn bị quan trọng trong hai năm qua.

Trên thực tế, để tái chế phế liệu chứa Vonfram không hề dễ dàng, đòi hỏi công nghệ hiện đại mới có thể thu hồi, tổng hợp để tạo ra những nguyên vật liệu phù hợp với các ngành công nghiệp.

Công nghệ tái chế phế liệu đẳng cấp toàn cầu.

Công nghệ của nhà máy tái chế Vonfram tại Thái Nguyên trước mắt được áp dụng từ H.C. Starck (Đức), được Tập đoàn mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram vào năm 2020. Đây là một trong số ít các công ty sở hữu các sáng chế độc quyền và có nền tảng tái chế Vonfram toàn diện và thân thiện với môi trường. Sau đó, công nghệ sẽ liên tục được cải tiến và đổi mới để xây dựng các quy trình thân thiện với môi trường dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển (R&D) và tái chế hàng đầu thế giới tại Đức, cũng như hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam.

Trên thực tế, trong thời gian qua, Masan High-Tech Materials đã đẩy mạnh hoạt động R&D, xây dựng khu vực thử nghiệm quy mô phòng thí nghiệm và quy mô thử nghiệm tại các cơ sở R&D của Masan High-Tech Materials Việt Nam để bổ sung cho những cơ sở đã có ở Goslar (Đức). Cơ sở mới sẽ nâng cao năng lực của Masan High-Tech Materials về nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực này và tái chế nhiều loại phế liệu đa dạng hơn.

Tái chế phế liệu chứa Vonfram tại Masan High-Tech Materials.

Mô hình “Thu hồi - Tái chế - Tái sử dụng” các vật liệu được ban lãnh đạo Masan High-Tech Materials tin tưởng là phương thức hữu hiệu nhất để tối ưu hóa nguồn tài nguyên, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của mỗi quốc gia và kiến tạo tương lai mới trên toàn cầu.

Do đó, nền tảng tái chế được xem là mảnh ghép quan trọng không chỉ giúp Masan High-Tech Materials có cơ hội tạo ra cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo, nguyên liệu mới, mà còn góp phần thúc đẩy bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.Thành công của dự án tái chế cũng sẽ khẳng định được năng lực phát triển lĩnh vật liệu công nghệ cao, giúp gia tăng vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường Vonfram quốc tế.

Trong quí đầu năm 2023, H.C. Starck giới thiệu sản phẩm bột Vonfram đăng ký bản quyền toàn cầu, một được kỳ vọng giúp giải quyết những bài toán năng lượng mới và tạo ra hệ sinh thái năng lượng sạch, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Một sản phẩm khác phục vụ cho các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ in 3D, có độ tinh khiết cao và sự ổn định, đặc biệt có ý nghĩa lớn trong lĩnh vực y tế.

“Trong giai đoạn 5 năm tới, Masan High-Tech Materials đặt mục tiêu không những là nhà cung ứng vật liệu công nghệ cao hàng đầu thế giới mà còn trực tiếp tham gia, dẫn dắt thị trường các sản phẩm tiêu dùng công nghệ toàn cầu trong một tương lai không xa. Chúng tôi tự tin làm chủ nền tảng tái chế Vonfram đẳng cấp, toàn diện và thân thiện môi trường đồng thời tạo ra nguồn nguyên vật liệu mới. Đây chính là trụ cột chiến lược mang lại thành công của Masan High-Tech Materials”, ông Danny Le, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan High-Tech Materials chia sẻ về tầm nhìn chiến lược tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới