Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam sẽ tự chủ vaccine vào năm 2022

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ba loại vaccine đang được nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam sẽ được cấp phép và đưa vào sử dụng trong thực tế vào năm 2022, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Thông tin này được ông Thuấn chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra tối 6-9.

Ông Thuấn cho biết 3 loại vaccine đang được nghiên cứu, sản xuất trong nước gồm Nanocovax của Công ty Nanogen; COVIVAC do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, phát triển; ARCT-154 do Vingroup nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ để sản xuất sẽ được cấp phép và đưa vào sử dụng vào năm 2022, qua đó tự chủ về vaccine phòng Covid-19.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ với báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2021. Ảnh: Trần Vương.

Với công tác thử nghiệm và cấp phép cho vaccine Naconocovax, ông cho biết loại vaccine này đang thực hiện giữa pha ba. Trước đó, Công ty Nanogen, Viện Pasteur TPHCM cùng các các đơn vị liên quan thực hiện hết lâm sàng pha ba và gửi Hội đồng Đạo đức quốc gia để cấp phép thông qua vào ngày 22-8. Nhưng hội đồng phát hiện một số tồn tại và kiến nghị cần bổ sung ba nội dung.

Về tính an toàn, Hội đồng Đạo đức quốc gia kiến nghị doanh nghiệp và các cơ quan liên quan cập nhật bổ sung nội dung về tính an toàn cho tất cả đối tượng đã tiêm mũi 1. Đồng thời, cập nhật rõ sự cố bất lợi nghiêm trọng với tất các đối tượng tham gia tiêm thử nghiệm.

Về tính sinh miễn dịch, doanh nghiệp cập nhật tính sinh miễn dịch trên các biến chủng mới như Delta, theo dữ liệu đề cương sửa đổi mới được Hội đồng Đạo đức quốc gia thông qua.

Về tính bảo vệ, cần phân tích về sự liên quan giữa tính sinh miễn dịch của vaccine và hiệu quả bảo vệ với mục tiêu đạt tỷ lệ bảo vệ tối thiểu hơn 50%, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

“Chúng ta mong muốn sớm có vaccine sản xuất trong nước, nhưng đây là sản phẩm đặc biệt với ảnh hưởng tới toàn cộng đồng và nhiều thế hệ. Vì vậy chủ chương của Thủ tướng là nhanh chóng, nhưng phải chặt chẽ, an toàn, hiệu quả”, ông Thuấn nhấn mạnh.

Với hoạt động nhập khẩu vaccine phòng Covid-19, dự kiến sẽ có 30 triệu liều về Việt Nam trong tháng 9 và 10-2021. Trong đó, tháng 9 dự kiến có 16-17 triệu liều được nhập khẩu về Việt Nam, theo ông Thuấn.

Với hoạt động ngoại giao vaccine, ông Nguyễn Minh Vũ – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – cho biết Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 33 triệu liều vaccine tính tới hết tháng 8-2021. Việc này được thực hiện các công tác vận động ngoại giao theo cơ chế song phương, đa phương và qua mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.

“Chúng tôi đã đôn đốc các hãng Astrazeneca, Pfizers thực hiện các cam kết về cung cấp vaccine. Đồng thời, xin viện trợ, vay vaccine từ nước ngoài và đẩy mạnh hợp đồng mua vaccine mới từ các nước”, ông Vũ nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng việc tấp cận vaccine hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do biến chủng phức tạp của chủng Delta và sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa nước nghèo và nước giàu.

“Tháng 6 thế giới cần 11 tỉ liều vaccine để đạt miễn dịch toàn cầu, nhưng năng lực sản xuất thực tế chỉ đạt 4,5 tỉ liều nên việc tiếp cận rất khó khăn”, ông Vũ giải thích.

Bên cạnh vaccine, Việt Nam đã nhận 660 máy thở, 60 máy tạo oxy, hàng ngàn tấn oxy, trang thiết bị điều trị và phòng, chống lây nhiễm Covid-19 từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, theo ông Vũ.

Cũng theo ông Vũ, nhu cầu về vaccine và trang thiết bị y tế phòng dịch với Việt Nam là rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, ông hy vọng các quốc gia, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế sẽ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới