Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam tham gia chiến lược du lịch “Bốn quốc gia – Một điểm đến”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam tham gia chiến lược du lịch “Bốn quốc gia – Một điểm đến”

Hải Lý

(TBKTSG Online) – Trong thời gian tới ngành du lịch của bốn quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, trên cơ sở Chiến lược marketing du lịch và kế hoạch hành động 2015-2020, sẽ đẩy mạnh hợp tác nhằm khai thác các tuyến du lịch trọng điểm, tuyến mới và thúc đẩy luồng trao đổi khách nội khối. Đây là một trong những điểm nhấn của hội nghị “Bốn quốc gia – một điểm đến” (Four countries – One destination) về kết nối du lịch và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng được tổ chức tại Yangon, Myanmar hôm nay, 31-7-2016.

Việt Nam tham gia chiến lược du lịch “Bốn quốc gia – Một điểm đến”
Lãnh đạo và quan chức du lịch bốn nước CLMV tại hội thảo kết nối du lịch diễn ra hôm nay tại Myanmar. Ảnh: Hải Lý

Hội nghị có sự tham dự của Phó tổng thống Myanmar Henry Van Thio, Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Phó Thủ tướng Campuchia Men Sam An, và các quan chức ngành du lịch, ngân hàng của bốn nước.

Các tuyến du lịch được các bên thảo luận bao gồm 1. Du lịch di sản Thái Lan – Lào – Việt Nam (Lampang-Nan-Sayabouly- LuangPrabang –  Viengxay – Oudomxay – Điện Biên); 2. Du lịch dọc sông Mê Kong Việt Nam – Campuchia (Tiền Giang – An Giang – Siem Riep – PhnomPenh) và Thái Lan – Lào – Campuchia; 3. Du lịch sinh thái theo tuyến đường 8 Thái Lan – Lào – Việt Nam (Nakorn Phanom – Thakhek – Lak Xao – Cầu Treo Border – Hà Tĩnh); và 4. Du lịch theo tuyến hành lang phía Nam Thái Lan – Campuchia – Việt Nam – Myanmar.

Đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết để tối ưu hoá việc kết nối điểm đến, tiếp thị các sản phẩm tour trọn gói, tuỳ theo thế mạnh riêng, các nước có thể xác định thị trường mục tiêu chung, đảm bảo hoạt động theo chủ đề thống nhất, đồng thời có sáng tạo, bổ sung riêng cho từng phân khúc thị trường.

Phía Việt Nam cũng đề nghị bốn nước tìm kiếm hỗ trợ từ bên thứ ba, đặc biệt các tổ chức quốc tế, cơ quan tài chính và các đối tác có quan tâm đến bốn quốc gia để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.

Việc thành lập Nhóm Công tác Du lịch dự kiến họp mặt một lần/năm để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cũng như kết nối các hoạt động cụ thể đã được đại diện bốn nước tán thành. Xây dựng một cơ chế phát triển du lịch thông qua tổ chức các hội nghị bộ trưởng ngành du lịch cũng được đề cập tới.

Trao đổi bên lề hội thảo, một quan chức du lịch Việt Nam nhận xét mặc dù có thế mạnh, nhưng nhìn lại hợp tác du lịch ba năm gần đây của bốn nước mới chỉ tập trung vào phối hợp đón các đoàn khảo sát sản phẩm du lịch, tổ chức hội nghị chuyên đề riêng lẻ, quảng bá cũng chỉ dừng ở việc tham gia một số hội chợ du lịch quốc tế. Một trong những hoạt động được đánh giá có ý nghĩa thiết thực là năm 2014 Trung tâm Asean – Nhật Bản (AJC) đã tổ chức hội chợ lữ hành và hội thảo về du lịch đường sông cho Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV) tại Nhật.

Bốn hãng hàng không bao gồm Angkor Air, Lao Airline, Myanmar Airlines và Vietnam Airlines đã ký biên bản hợp tác giữa các hãng.

Theo số liệu của cơ quan du lịch bốn nước, năm ngoái 4 nước CLMV đã đón tổng cộng 22 triệu lượt khách quốc tế, tăng 12,7% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 21 tỉ đô la Mỹ. Khách du lịch Việt Nam đi Lào và Campuchia chiếm 2/3 tổng lượng khách nội vùng.

Theo tính toán của Hội đồng Lữ hành Du lịch thế giới (WTTC), tiếp cận theo tài khoản vệ tinh du lịch thì năm 2015 ngành du lịch Campuchia đóng góp trực tiếp 13,5% vào GDP nước này; của Việt Nam là 6,6%; Lào 4,6% và Myanmar 2,6%.

BIDV khai trương chi nhánh Yangon

Lãnh đạo và các quan chức ngân hàng bốn nước tham dự lễ cắt băng khánh thành chi nhánh BIDV tại Yangon. Ảnh: Hải Lý

(TBKTSG Online) – Ngày hôm nay, 31-7, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV đã khai trương chi nhánh BIDV Yangon với tổng vốn đầu tư 85 triệu đô la Mỹ.

Đây là chi  nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Myanmar của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

Phó tổng thống Myanmar Henry Van Thio, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Phó Thủ tướng Campuchia Men Sam An và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Myanmar Kyaw Kyaw Maung đã tham dự và cắt băng khánh thành.

BIDV được Myanmar cấp giấy phép mở chi nhánh sau 6 năm thành lập Văn phòng đại diện đồng thời giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar.

Hiện Việt Nam đứng thứ 10 trong số các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Myanmar với 11 dự án được cấp phép, tổng vốn 693,3 triệu đô la Mỹ. Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Myanmar năm 2015 đạt 435 triệu đô la Mỹ, gấp 3 lần so với năm 2010.

Được biết hiện Việt Nam có 10 ngân hàng hoạt động trên địa bàn Lào, Campuchia trong khu vực 4 nước CLMV, trong đó tại Campuchia có Sacombank, Agribank, Quân Đội, BIDV, SHB; tại Lào có BIDV, Vietinbank, Sacombank, SHB và Quân Đội.

* Cùng ngày Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã khai trương và đưa vào hoạt động khách sạn 5 sao Melia tại Yangon. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Việt Nam ở Myanmar. Năm ngoái HAGL đã khai trương khu văn phòng và trung tâm thương mại của tổ hợp khách sạn, văn phòng, căn hộ cao cấp tại trung tâm của Yangon trên diện tích 8 ha – vốn được xem là mảnh đất vàng tại thành phố này.

Hải Lý

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới