Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam thắng vụ kiện phá giá tôm tại WTO

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam thắng vụ kiện phá giá tôm tại WTO

Nguyệt Hằng

Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy. Ảnh:TL

(TBKTSG Online) – Ngày 11-7, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã thông báo kết luận cuối cùng của Ban Hội thẩm, ủng hộ 3 trong 5 khiếu kiện chính của Việt Nam trong vụ việc Việt Nam kiện các biện pháp chống bán phá giá của Mỹ áp dụng cho mặt hàng tôm đông lạnh.

Theo kết luận của Ban Hội thẩm xem xét khiếu nại của Việt Nam, Mỹ đã vi phạm quy định của WTO khi dùng phương pháp zeroing (quy biên độ phá giá âm về 0, làm thiệt cho các nhà xuất khẩu) để tính biên độ phá giá trong kỳ xem xét hành chính thứ hai và thứ ba trong điều tra chống bán phá giá mặt hàng tôm của Việt Nam.

Ngoài ra, Ban Hội thẩm cũng kết luận rằng, Mỹ vi phạm quy định của WTO khi áp dụng thuế suất chung (all others) dựa trên biên độ phá giá được tính bằng phương pháp quy về bằng 0 trong quá trình rà soát hành chính thứ hai và thứ ba thuế suất chống bán phá giá đối với tôm của Việt Nam. Thuế suất chung này thường khá cao, và được áp dụng cho các nhà xuất khẩu và sản xuất không tham gia trả lời các câu hỏi điều tra chống bán phá giá của Mỹ.

Kết luận cũng cho rằng Mỹ vi phạm quy định của WTO khi áp quy tắc thuế suất toàn quốc (Vietnam-wide entity) áp dụng cho doanh nghiệp thuộc các nước có nền kinh tế mà Mỹ cho là phi thị trường, dựa trên những dữ liệu có sẵn.

Do đó, Ban Hội thẩm đề xuất Mỹ nên tuân theo quy định của WTO khi áp dụng biện pháp điều tra chống bán phá giá.

Mặc dù kết quả của đợt xem xét hành chính thứ 4 và thứ 5 chưa được đưa vào thảo luận cũng như phán quyết lần này của Ban Hội thẩm, nhưng đây được xem là thành công của Việt Nam trong vụ kiện đầu tiên kể từ khi tôm Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá vào năm 2004, theo một đại diện của Cục quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương.

“Khi đã thành công với việc kiện phương pháp zeroing thì cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm qua Mỹ trong các kỳ xem xét hành chính tiếp theo như POR (period of review) 6 và 7 sẽ có cơ hội hưởng mức thuế suất thấp hơn rất nhiều so với thuế suất hiện nay. Đây cũng chính là nội dung quan trọng nhất mà các nhà xuất khẩu kỳ vọng”, vị đại diện này cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết.

Tuy nhiên, sau kết luận của Ban Hội thẩm, hai bên vẫn có thể kháng cáo lên toà phúc thẩm của WTO.

Theo hồ sơ vụ việc được WTO công bố, trước đó, vào ngày 1-2-2010, Việt Nam đã yêu cầu tham vấn với Mỹ liên quan đến các biện pháp chống bán phá giá Mỹ áp dụng cho một số mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Yêu cầu tham vấn của Việt Nam cũng liên quan đến một số quy định và thủ tục hành chính của Mỹ, trong đó có biện pháp quy về bằng 0.

Đến ngày 12-2-2010, Liên minh châu Âu và Nhật Bản yêu cầu tham gia tham vấn. Vào ngày 15-2-2010, Thái Lan yêu cầu tham gia tham vấn.

Ngày 7- 4- 2010, Việt Nam yêu cầu lập Ban Hội thẩm. Đến ngày 20-4-2010, Cơ quan giải quyết tranh chấp trong WTO (DSB) đã yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm. Kết luận của Ban Hội thẩm đã được gửi đến cho các bên có liên quan vào ngày 19-5-2011 và được thông báo rộng rãi vào ngày 11-7.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới