Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam trên đường đến thịnh vượng, đào đâu ra lao động trình độ cao?

Hiệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Năm 2016 tôi đi 10 ngày thăm Trường Sa trên con tàu hiện đại KN490. Rỗi việc tôi hay lê la nói chuyện với mấy anh kỹ thuật trên tàu. Biết tôi thạo tiếng Anh và IT, các anh hỏi có thể giúp đọc menu của máy lạnh to đùng trên tàu, chứa rau và thịt cho 200 người ăn cả chục ngày, hay không. Chả hiểu sao ai động vào phím điều khiển nào đó làm cho máy lạnh tạo đá và tuyết đọng trong khi rau ở giữa khoang không có khí lạnh… Từ đó, tôi nghĩ mãi về lao động trình độ cao của xứ mình.

Hàng triệu người bôn ba khắp nơi, dù chịu khó làm ăn nhưng ngoại ngữ yếu, giao tiếp và khả năng suy luận còn hạn chế do khi học trong trường ít được tranh luận… nên thường chỉ làm công việc làng nhàng. Đó là chưa kể những khu công nghiệp với những nhà máy hiện đại mọc lên ngày càng nhiều, nhưng công nhân chẳng học được bao nhiêu, chỉ biết lắp ráp như robot.

Job của người Mỹ

Hàng tháng báo Mỹ luôn đưa tin nóng, tháng ấy nước Mỹ tạo ra bao nhiêu job (việc làm), con số thất nghiệp và điểm uy tín của tổng thống cũng tăng hay giảm theo. Ngay trước cửa Nhà Trắng, phía đường I, có chữ JOB to đùng như nhắc nhở các tổng thống Mỹ rằng đừng quên job cho dân.

Người ta nói, ở Mỹ cái gì cũng đẹp, cũng tuyệt vời, nhưng “thiên đàng” sẽ biến thành “địa ngục” theo đúng nghĩa đen khi bạn … mất job. Đó là nhận xét chính xác về nước Mỹ và đúng với cả thế giới, như các cụ ta nói “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, không có job là chết đói.

Không giống bên ta, mất job về nhà mở cửa hàng bán nước chè chén, rượu trắng nhắm lạc rang. Bán hàng rong, chạy Grab, sửa xe đạp, bán xăng lẻ, vẫn có thể sống được, nhưng bên Mỹ thì không thể. Hầu hết các job phải được đào tạo bài bản, có chứng chỉ, nhiều job đòi có trình độ cao.

Việt Nam trước lựa chọn mới

Người Việt cũng như người Mỹ, nếu không được đào tạo bài bản trong nghề nghiệp thì nguy cơ mất việc cũng rất cao. Không có tay nghề cao thì khó bàn tới quốc gia thịnh vượng.

Khát vọng thịnh vượng là điều dễ hiểu, nhưng để biến khát vọng thành sự thật thì quốc gia cần có lực lượng lao động với trình độ phải khác thế kỷ 20.

Chủ trương đổi mới từ năm 1986 không chỉ làm thay đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam mà còn tác động sâu rộng đến việc làm, và chính những việc làm này lại là một yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình cải cách kinh tế. Nếu như năm 1986, phần lớn lao động của Việt Nam là ở lĩnh vực nông nghiệp và chỉ có một tỷ lệ nhỏ làm việc ở các doanh nghiệp nhà nước, thì hiện nay việc làm trong nông nghiệp chỉ còn chưa tới một nửa, trong khi bộ phận việc làm trong khu vực tư nhân năng động cũng đã lớn mạnh. Tuy thế, chất lượng việc làm không gia tăng với tốc độ tương tự, đa số việc làm vẫn có năng suất thấp, mức lương thấp, thiếu chế độ phúc lợi xã hội hay bảo vệ người lao động.

Thế giới đang thay đổi và thay đổi bức tranh việc làm của Việt Nam. Sự phát triển của tầng lớp tiêu dùng châu Á, đặc biệt là Trung Quốc; sự chuyển dịch sang những nền kinh tế tri thức; các đối tác, hình thái thương mại mới, tự động hóa sản xuất, già hóa dân số,… tất cả đều đang đe dọa đến cơ cấu việc làm hiện nay của Việt Nam. Tuy vậy, những yếu tố này cũng đem lại những cơ hội mới.

Tin mới nhất cho hay, Việt Nam trở thành chặng dừng mới trong lĩnh vực chất bán dẫn của hai tập đoàn điện tử khổng lồ Hàn Quốc Samsung Electronics và Amkor Technology, sau Intel của Mỹ: Samsung đầu tư thêm 3,3 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022; Amkor đầu tư 1,6 tỉ đô la cho đến năm 2035. Cả hai dự án sẽ vận hành vào nửa cuối năm 2023. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư khác cũng dự kiến sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam như Hana Micron của Hàn Quốc, USI Electronics, một công ty con của ASE Semiconductor của Đài Loan hay Renesas Electronics của Nhật Bản.

Việt Nam có cơ hội lớn thay thế một phần thị trường lao động Trung Quốc, vì chi phí nhân công ở nước này đã đắt đỏ hơn do nhân công trình độ cao hơn.

Báo cáo WB 2018 về việc làm

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) - “Tương lai việc làm Việt Nam: Khai thác xu hướng lớn cho sự phát triển thịnh vượng hơn” - công bố bốn năm trước đã nói đến các xu hướng lớn và tác động đến tình hình việc làm của Việt Nam do (1) Sự phát triển của tầng lớp người tiêu dùng ở châu Á và cả Việt Nam; (2) Hình thái thương mại thay đổi và các cơ chế hợp tác thương mại mới; (3) Sự phát triển của nền kinh tế tri thức; (4) Tự động hóa và số hóa tại nơi làm việc; (5) Mô hình dân số thay đổi, tỷ lệ người phụ thuộc ngày càng tăng.

Báo cáo còn chỉ ra con đường hướng tới việc làm trong tương lai nhằm thay đổi thực trạng, như một số lĩnh vực cần cải cách:

(1) Tạo thêm cơ hội việc làm đối với những “việc làm tốt” trong nền kinh tế hiện đại, trong đó cần gỡ bỏ các rào cản để phát triển khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; khuyến khích doanh nghiệp chuyển hướng sang những công đoạn có hàm lượng tri thức cao trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; tạo thuận lợi cho việc phát triển hệ thống nông nghiệp lương thực của Việt Nam;

(2) Nâng cao chất lượng của những việc làm hiện có trong nền kinh tế truyền thống, gồm khuyến khích ngành nông nghiệp đa dạng hóa sang các loại cây trồng có giá trị gia tăng cao; tạo thuận lợi cho việc kết nối doanh nghiệp giữa các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp nhỏ và vừa;

(3) Kết nối người lao động có trình độ với công việc phù hợp, bao gồm xây dựng kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu việc làm hiện nay và sau này, thông qua việc cải cách triệt để hệ thống giáo dục đào tạo; tạo lập và cung cấp những thông tin cần thiết để bố trí đúng người, đúng việc, cung cấp các dịch vụ bổ trợ để tạo thuận lợi cho sự tham gia vào lực lượng lao động và dịch chuyển lao động.

Tay nghề cao thì thu nhập mới cao

Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tại Việt Nam, năm 2021 chỉ có 9% nghề đòi hỏi tay nghề cao. Trong khi đó, con số này là 50% ở Vương quốc Anh và tại Singapore là gần 65%. Nước ta có khát vọng thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, nên lao động cũng phải có trình độ cao, như biết giải quyết vấn đề phức tạp, đưa ra quyết định, sáng tạo và kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

Theo hai chuyên gia kinh tế của WB là Judy Yang và Trần Thị Bảo Trâm, Chỉ số Vốn con người được hiệu chỉnh theo mức độ sử dụng (U-HCI). Trong những năm qua U-HCI của Việt Nam đã giảm đáng kể, từ 0,69 xuống 0,37, phản ánh số lượng công việc chất lượng cao còn hạn chế - hay tiềm năng vốn con người của đất nước chưa được sử dụng hiệu quả.

Cũng theo các chuyên gia này, việc làm cho thanh niên Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cả hai yếu tố cung và cầu. Về phía cung, có thể những kỹ năng, kiến thức thu được từ giáo dục không phù hợp với những kiến thức cần thiết trong môi trường làm việc hiện đại. Một phần năm số công ty tham gia khảo sát năm 2019 cho biết trở ngại lớn nhất mà họ phải đối mặt là lực lượng lao động không được đào tạo đầy đủ. Bên cạnh đó, sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ cũng làm tăng nhu cầu cho các kỹ năng hoàn toàn khác so với những gì được dạy ở trường theo phương thức truyền thống.

Để thay đổi bức tranh này, Báo cáo của WB - “Giáo dục để tăng trưởng” - vừa qua đã nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục đại học nhằm tiến tới có lực lượng lao động chất lượng cao. Việc giảm khoảng cách trong khả năng tiếp cận giáo dục cho các nhóm xã hội khác nhau có thể giúp tăng tỷ lệ phổ cập giáo dục đại học. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc nâng cao mức độ sẵn sàng học tập, tăng cường hỗ trợ tài chính và các chương trình tiếp cận cộng đồng ở những khu vực khó khăn.

Nhớ chuyện trên tàu KN490 với cái máy lạnh, tôi liên tưởng vài lần đi qua sân bay Dubai và nhiều sân bay lớn khác trên thế giới, thấy người Ấn, người Hoa mở cửa hàng sang trọng, người Philippines mở quán ăn... do họ có kỹ năng cao, tiếng Anh tốt, trong khi bà con mình làm lao công.

Khát vọng thịnh vượng là điều dễ hiểu, nhưng để biến khát vọng thành sự thật thì quốc gia cần có lực lượng lao động với trình độ phải khác thế kỷ 20.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tay nghề cao thì cũng cần. Nhưng trước hết, cần có đại bộ phận lực lượng lao động chăm chỉ và kỷ luật. Một quốc gia chỉ cần có tỷ trọng người có trình độ cao khoảng 15-20% lực lượng lao động là thành công lớn rồi. Họ sẽ đóng vai trò dẫn dắt, làm động lực góp phần sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, nếu không có đại đa số người lao động có kỹ năng và kỷ luật thì guồng máy hoạt động sẽ không ổn, có bao nhiêu lao động trình độ cao thì cũng không thể giải quyết được vấn đề tăng trưởng bền vững. Ông bà ta thường nói, nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ, là vậy ! Bởi lẽ, có ai tự giác chăm chỉ và kỷ luật bằng các bác nông dân của ta?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới