(KTSG) - Việc xác lập lại chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cùng sự kiện nâng tầm quan hệ với Mỹ, đang mở ra triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực công nghệ cao. Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội mới này?
- Việt Nam và chiến lược hút FDI công nghệ cao của Trung Quốc
- Doanh nghiệp FDI quan tâm đến nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo
Hải Phòng vừa đón nhận 1,3 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, thiết bị quang học và linh kiện ô tô. Tính đến ngày 20-9-2023, các khu công nghiệp, khu kinh tế tại thành phố trực thuộc trung ương này đã thu hút gần 3 tỉ đô la Mỹ, đạt 120% kế hoạch năm và vượt chỉ tiêu trước bốn tháng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có chuyến công tác dự Tuần lễ Cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên hiệp quốc và hoạt động song phương tại Mỹ. Thủ tướng có cuộc trao đổi với một số doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ và thế giới trong các lĩnh vực công nghệ, hàng không gồm Apple, Boeing, Google và Siemens Healthineers… Trong khi Thủ tướng đề nghị mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, các ông lớn công nghệ cũng bày tỏ sự quan tâm về địa bàn sản xuất quan trọng và còn nhiều tiềm năng để hợp tác. Siemens Healthineers mong mở rộng hoạt động, Google đề xuất hợp tác, đầu tư liên quan tới lĩnh vực điện toán đám mây, Apple muốn tham gia phát triển, đào tạo nguồn nhân lực…
Mỹ đứng thứ 11 trong tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn 12 tỉ đô la Mỹ. Sau khi nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện mới đây, cơ hội hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ càng rộng mở.
Những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ nhất, nhờ lợi thế vị trí địa lý thuận tiện trong các hoạt động vận chuyển thương mại, độ mở nền kinh tế ngày càng gia tăng khi tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), chi phí lao động thấp và nền kinh tế - chính trị ổn định. Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy các quốc gia tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng, giúp Việt Nam hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, việc thiếu chiến lược thu hút vốn đầu tư phù hợp, cũng như những hạn chế trong khả năng chọn lọc các dự án đầu tư, đã phần nào tạo ra những hệ quả không mong muốn. Môi trường ít nhiều bị ảnh hưởng từ các dự án gây ô nhiễm, không đảm bảo tuân thủ các quy định xử lý chất thải. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước cũng không nhận được lợi ích từ cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ của các tập đoàn nước ngoài như kỳ vọng ban đầu.
Vì lẽ đó, vào tháng 8-2019, Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư vốn FDI. Hai trong năm quan điểm chỉ đạo đối với dòng vốn FDI nhấn mạnh về môi trường, chuyển giao công nghệ và liên kết với khu vực trong nước. Cụ thể gồm (i) “việc thu hút FDI phải chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, sạch, hiện đại…,” và (ii) “thu hút FDI phải đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự…”.
Thực tế, chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam từ đó đến nay đã có những thay đổi nhất định nhằm hiện thực hóa chủ trương trên. Trong chuyến công du vừa qua của Thủ tướng Chính phủ, thông điệp này một lần nữa được thể hiện rõ. Thủ tướng khẳng định trong thời gian tới, với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo…
Đây cũng là điều tất yếu, khi Việt Nam là một trong số các quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26. Do đó, Việt Nam đòi hỏi phải loại bỏ dần các dự án gây ô nhiễm và thu hút các dự án đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Nếu có thể đón thêm nhiều dự án chất lượng cao từ các tập đoàn hàng đầu quốc tế tại những nền kinh tế phát triển như Mỹ, rõ ràng vị thế của Việt Nam sẽ được nâng cao hơn trên trường quốc tế, cũng như có khả năng mở rộng các hoạt động thương mại, từ đó nhận thêm nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn để gia tăng nội lực tài chính quốc gia.
Trước vận hội mới này, dĩ nhiên cũng sẽ có những thách thức không nhỏ, như nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Bên cạnh đó là thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước để đảm bảo đáp ứng cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, cũng như những điểm nghẽn về hạ tầng có thể chịu áp lực lớn hơn.