Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam trước ngã rẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam trước ngã rẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu

Hùng Lê

Việt Nam trước ngã rẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu
Các chuyên gia, đại diện WB thảo luận tại hội thảo ngày 8-9 ở TPHCM – Ảnh: Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ: có thể tiếp tục phát triển theo hướng làm nền tảng xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyên sâu ở phần gia công, lắp ráp; hoặc có thể tận dụng sự tăng trưởng hiện nay để đa dạng hóa và vươn lên tham gia vào các công đoạn giá trị gia tăng cao hơn.

Đây là vấn đề được đặt ra trong Báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank – WB) tại Hội thảo “Giới thiệu báo cáo Việt Nam trước ngã rẽ – tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới và nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”. Hội thảo này do Bộ Công Thương và WB phối hợp tổ chức ngày 8-9 tại TPHCM.

Bị kẹt ở bẫy giá trị gia tăng thấp

Tại hội thảo, báo cáo của WB cũng nhận định rằng Việt Nam gia nhập các chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã mang lại lợi ích đáng kể về tăng trưởng và việc làm do xuất khẩu. Tuy nhiên, WB cho rằng Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn không kết nối được với khu vực tư nhân trong nước. Bởi, trong việc hình thành như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu, Việt Nam hiện chỉ chuyên về công đoạn lắp ráp cuối cùng, đòi hỏi nhiều lao động, đem lại giá trị gia tăng thấp. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao của Việt Nam lại có hàm lượng nhập khẩu cao và giá trị gia tăng trong nước rất thấp, do đó con số đóng góp ròng vào nền kinh tế của các công ty FDI không cao.

Điều này, theo WB, cũng phản ánh sự thâm nhập hạn chế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc trở thành nhà cung cấp cho các công ty FDI sản xuất hàng xuất khẩu. Các liên kết cung ứng hiện nay thường có xu hướng gắn với sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, như các vật tư đơn giản và bao bì.

Về cơ bản, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước được tích hợp gián tiếp vào các chuỗi giá trị toàn cầu (chứ không phải là nhà xuất khẩu trực tiếp) và sản xuất linh kiện không phải quan trọng (ngoại vi) của chuỗi giá trị thượng nguồn hoặc tham gia vào việc lắp ráp hạ nguồn. Điều này được phản ánh trong bảng xếp hạng của Việt Nam về chất lượng của các nhà cung cấp địa phương trong Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu khi Việt Nam xếp thứ 109 trong số 138 nền kinh tế, đứng sau cả Philippines (74), Thái Lan (77) và Malaysia (22).

Ông Charles Kunanka, chuyên gia trưởng về khu vực tư nhân của WB, cho rằng dư địa trong nước dành cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đang bị thu hẹp và hầu hết những chức năng đem lại giá trị gia tăng cao được thực hiện ở ngoài Việt Nam.

Dẫn chứng về việc này, theo ông Kunanka, các doanh nghiệp có quy mô lớn như Samsung, Ford, Toyota,… trong các chuỗi giá trị toàn cầu thường sử dụng các nhà cung cấp ở khắp mọi nơi. Các công đoạn giá trị cao như đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi nằm ngoài Việt Nam. Ông cho rằng, doanh nghiệp FDI lớn có mạng lưới cung cấp riêng nên cơ hội tham gia của doanh nghiệp Việt Nam bị thu hẹp.

Theo đánh giá của ông Kunaka, Việt Nam bị kẹt ở “bẫy giá trị gia tăng thấp”, do không phát triển các chức năng có giá trị cao hoặc cần năng lực đổi mới sáng tạo. Điều này nếu tiếp tục sẽ dẫn đến nhiều rủi ro khi các đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn sẽ thu hút đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam.

Cần gói sáng kiến cho cải cách toàn diện

Trước thực tế này, WB cho rằng Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ. Đó là nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng dựa trên xuất khẩu theo chuỗi giá trị toàn cầu và chuyên sâu vào các chức năng gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp thông qua công nghiệp hóa theo hướng cục bộ mà không kết nối nhiều với nền kinh tế và xã hội bên ngoài.

Hoặc ngã rẽ khác là có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện nay để đa dạng hóa và vươn lên trong chuỗi giá trị để có thể tham gia vào các công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời tận dụng cơ hội để nuôi dưỡng những doanh nghiệp còn non trẻ nhưng tự chủ, năng động và đổi mới sáng tạo, để một ngày nào đó có thể tạo ra sản phẩm "sáng chế tại Việt Nam" của họ.

WB cho rằng, thành công ở cả hai hướng trên đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải nhìn nhận quá trình phát triển theo cách khác đi, và phải cân nhắc đầy đủ hơn những diễn biến thực tế mới của nền kinh tế toàn cầu.

Cho ý kiến về vấn đề này, Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam Ousmane Dione nhận định, Việt Nam có thể vươn lên và nâng cao giá trị gia tăng của mình bằng những cải cách và sáng kiến chính sách ở những lĩnh vực như giao thông, dịch vụ, thủ tục biên giới và hội nhập khu vực. Một số khuyến nghị chính được các chuyên gia WB đưa ra để giúp Việt Nam tiến sát hơn với mục tiêu của mình. Đó là cải thiện sự phối hợp giữa các bộ ngành, tạo thuận lợi về trao đổi thông tin và liên hệ giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng thời, hỗ trợ có mục tiêu nhằm phát huy thế mạnh của một số nhà cung ứng trong nước.

Nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài quy mô lớn, qua đó tạo thêm việc làm và tạo thêm cơ hội cho các nhà ung ứng trong nước.

Nhưng để đạt mục tiêu này, theo WB, cần phải có một gói sáng kiến cải cách toàn diện như thu hẹp cải cách chênh lệch về hạ tầng giao thông; phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh; hợp lý hóa các thủ tục biên giới để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu; thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển để đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ và đầu tư về công nghệ…

Thực tế trong 15 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách và chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới của khu vực tư nhân trong nước. Các chương trình này bao gồm cả các dịch vụ phát triển kinh doanh và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các dịch vụ phát triển kinh doanh trải rộng từ nâng cấp công nghệ, đổi mới, sáng tạo đến phát triển thị trường, đào tạo và kỹ năng,cũng như các gói hỗ trợ tài chính độc lập…

Tuy nhiên, tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng ông thật sự lo lắng để phải chọn đi hướng nào cho phù hợp trước ngã rẽ trên. Theo ông Hiếu, Nhà nước cần phải thay đổi nhanh và hoàn toàn hệ thống đòn bẩy chính sách. Bởi lẽ, theo ông, hệ thống đòn bẩy chính sách hiện nay có 2 điểm yếu: quá chung chung, và tư duy theo hướng phân mảnh, mỗi thứ một ít, dẫn đến chính sách này đang phá chuỗi.

Ông Hiếu nhấn mạnh, cần phải thay đổi tư duy cho những chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hiện nay và hỗ trợ phải rất cụ thể thì mới thay đổi theo hướng tốt hơn. "Nếu không 5 năm tới, WB… rồi cũng sẽ tiếp tục đặt câu hỏi chọn ngã rẽ nào trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam", ông Hiếu nói.

Mời đọc thêm:

>>> Bức tranh giá trị gia tăng của nền kinh tế Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới