Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam và 13 đối tác ký kết hiệp định kinh tế sạch

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), 14 đối tác, trong đó có Việt Nam vừa ký kết hiệp định kinh tế sạch, tập trung vào nỗ lực hợp tác chuyển đổi sang năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu.

Singapore, Mỹ và Việt Nam cũng đã thành lập nhóm công tác nhằm tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực, nghiên cứu phát triển khung hợp tác xây dựng cáp ngầm dưới biển trong khu vực nhằm tạo thuận lợi cho thương mại điện xuyên biên giới.

Các bộ trưởng chụp hình lưu niệm tại Hội nghị Bộ trưởng IPEF diễn ra ở Singapore trong tuần này. Ảnh: Business Times

Hội nghị Bộ trưởng IPEF và Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch được tổ chức trong 2 ngày 5 và 6-6 tại Singapore. Trong khuôn khổ hội nghị, hôm 6-6, 14 đối tác của IPEF gồm Úc, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam ký kết hiệp định kinh tế sạch để thiết lập 8 chương trình hợp tác. Đáng chú ý, trong số này, có 3 chương trình hợp tác mới mẻ, gồm hợp tác về lò phản ứng hạt nhân nhỏ (SMR).

SMR là lò phản ứng hạt nhân tiên tiến có công suất sản xuất điện thấp hơn các lò phản ứng hạt nhân truyền thống. Theo Bộ Công thương Singapore, chương trình hợp tác về SMR nhằm hỗ trợ các đối tác đang muốn tìm hiểu thêm về SMR và có khả năng triển khai công nghệ này ở nước của họ theo các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, an ninh và biện pháp bảo vệ.

Đối với các thành viên IPEF muốn triển khai SMR trong nước, chương trình hợp tác sẽ đóng vai trò là nền tảng đối thoại. Trong đó, thành viên sẽ được hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng SMR cũng như cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động cần thiết để triển khai SMR một cách an toàn.

Hai chương trình hợp tác mới khác liên quan đến kiểm kê cường độ phát thải khí nhà kính và khai thác rác thải điện tử ở đô thị. Theo đó, các đối tác của IPEF sẽ chia sẻ thông tin về các tiêu chuẩn, hệ thống báo cáo và phương pháp kiểm kê phát thải hiện có, đồng thời hợp tác để xây dựng hệ thống quản lý rác thải điện tử bền vững hơn.

Năm chương trình hợp tác còn lại của hiệp định kinh tế sạch liên quan đến nhiên nhiên liệu sạch hydro, thị trường carbon, điện sạch, chuyển đổi năng lượng công bằng và nhiên liệu hàng không bền vững.

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư kinh tế sạch, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, cho biết, phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch sẽ giúp hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sạch.

Ông thông báo Singapore cùng với Mỹ và Việt Nam đã thành lập nhóm công tác nhằm tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực, cũng như nghiên cứu phát triển khung hợp tác xây dựng cáp ngầm dưới biển trong khu vực nhằm tạo thuận lợi cho thương mại điện xuyên biên giới.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Gina Raimondo cho biết, một liên minh bao gồm các nhà đầu tư BlackRock, Rockefeller Foundation, GIC và Temasek cam kết đầu tư 25 tỉ đô la Mỹ vào các dự án hạ tầng bền vững ở các thị trường mới nổi của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Kinh tế sạch là một trong 4 trụ cột của IPEF, 3 trụ cột còn lại là thương mại, chuỗi cung ứng và kinh tế công bằng. Cũng trong ngày 6-6, 14 đối tác của IPEF ký kết hiệp định kinh tế công bằng và hiệp định tổng thể IPEF. Hiệp định kinh tế công bằng nhằm chống tham nhũng và cải thiện quản lý thuế. Trong khi đó, hiệp định IPEF tổng thể sẽ thành lập Hội đồng IPEF, có nhiệm vụ xem xét các vấn đề ảnh hưởng đến việc thực thị các hiệp định liên quan đến 4 trụ cột của IPEF.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công thương Singapore, Gan Kim Yong, nhấn mạnh, việc ký kết hai hiệp định về kinh tế sạch và kinh tế công bằng sẽ thúc đẩy hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để triển khai công nghệ năng lượng sạch, huy động vốn cho hạ tầng bền vững và công nghệ khí hậu, đồng thời giúp thiết lập một môi trường kinh doanh thuận lợi trong khu vực.

Hiệp định về sức chống chịu của chuỗi cung ứng đã được 14 đối tác của IPEF ký kết vào tháng 11 năm ngoái và phê chuẩn vào tháng 2 năm nay. Hiệp định này nhằm ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng như đã xảy ra trong đại dịch Covid-19. Riêng hiệp định về thương mại vẫn chưa được ký kết do còn nhiều bất đồng

“Thương mại là một vấn đề khó khăn với những lĩnh vực nhạy cảm ở nhiều nước. Nhưng thương mại là huyết mạch của các nước trong khu vực này. Vì vậy, chúng tôi mong muốn đạt được một thỏa thuận thực chất nhằm tăng cường dòng chảy thương mại giữa tất cả các nước IPEF và cải thiện cuộc sống của người dân của chúng ta”, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng IPEF.

IPEF là liên minh kinh tế do Mỹ khởi xướng vào năm 2022. 14 đối tác của IPEF hiện chiếm khoảng 40% GDP và 28% thương mại hàng hóa và dịch vụ của toàn cầu.

Theo Business Times, Bloomberg

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới