Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam và tương lai của thị trường tài sản mã hóa

Hồ Ngọc Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Là đạo luật đầu tiên trên thế giới điều chỉnh thị trường tài sản mã hóa do EU ban hành, MiCA sẽ có hiệu lực vào năm 2024. Đạo luật này hứa hẹn là nguồn tham khảo hữu ích cho các hệ thống pháp luật trên thế giới liên quan đến thị trường tài sản mã hóa. Trong khi tại Việt Nam quá trình nghiên cứu lĩnh vực này đang có dấu hiệu chững lại, Việt Nam sẽ tiếp thu được gì?

Như một sự xuất hiện kịp thời

Có thể thấy MiCA là đạo luật được nghiên cứu và xây dựng với rất nhiều tâm huyết cùng sự phân tích kỹ lưỡng đến từ Nghị viện châu Âu. Sự ra đời của MiCA không chỉ tạo nên một làn sóng tích cực trong dư luận mà qua đó, giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn khi có thể nói rằng: “Cuối cùng, chúng ta cũng đã nhận được sự quan tâm!”.

Đa số quốc gia trên thế giới không khuyến khích việc tham gia thị trường tài sản mã hóa. Bảo mật thông tin, giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố... là một trong những nhóm vấn đề được quan tâm hàng đầu. Song song đó, việc đang tồn tại không ít loại tài sản mã hóa khác nhau phần nào khiến mọi người khó khăn trong việc phân biệt đặc điểm, tính chất của từng loại.

Thực tế hiện nay có rất nhiều loại tài sản mã hóa. Tuy nhiên, dựa trên thông tin đã được đề cập tại MiCA, EU cho rằng hiện nay chủ yếu có ba loại cần phải phân biệt. Ba loại này dựa trên sự ổn định và tính rủi ro, gồm: electronic money token, asset-referenced token và other crypto-asset (các loại tài sản mã hóa khác). Có thể tham khảo qua Bảng 1 để rõ hơn.

Bảo vệ nhà đầu tư là nhiệm vụ “vô cùng cấp thiết”

Từng là sàn giao dịch tài sản mã hóa lớn nhất tại Mỹ và chỉ xếp sau Binance trên thế giới, FTX đã nhanh chóng sụp đổ chỉ sau một tuần lễ đầy biến động, với kết cục CEO Sam Bankman-Fried của sàn nộp đơn xin phá sản. Cũng như trường hợp FTX, xét trên phương diện giá trị, luna từng là một trong những đồng tiền mã hóa có giá trị cao, “làm mưa làm gió” một thời trên thị trường. Tuy nhiên, tương tự như FTX, sau nhiều nỗ lực cứu vớt của CEO Do Kwon thì cuối cùng, đồng luna cũng cùng chịu chung cảnh ngộ - sụp đổ hoàn toàn.

Quan trọng nhất là MiCA đã chính thức được phê duyệt, Việt Nam nên cân nhắc xem MiCA như luật mẫu. Thông qua đó, xây dựng các quy định chi tiết, phù hợp hơn với hệ thống pháp luật của chúng ta.

Điểm chung giữa hai sự kiện là việc CEO của cả hai đều bị bắt giữ theo lệnh của tòa án nước sở tại. Hệ quả to lớn để lại là nhà đầu tư đều không thể tiếp cận được những khoản đầu tư mà mình đã bỏ ra. Tiếp đó là các vụ việc hacker lợi dụng các lỗ hổng trong mạng blockchain của sàn giao dịch, tấn công để đánh cắp tài sản của nhà đầu tư. Chưa bao giờ quyền lợi và sự bảo vệ đối với nhà đầu tư ở mức báo động như lúc này. Có lẽ đây là một phần rủi ro mà nhà đầu tư phải chấp nhận khi tham gia vào thị trường này.

Giờ đây, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua đạo luật MiCA. Có thể nói, từ thời điểm này, các nhà đầu tư đã có quyền được “mơ” về một viễn cảnh tươi sáng hơn dành cho mình và dành cho thị trường mình theo đuổi.

MiCA mang đến những gì cho nhà đầu tư?

Để ngăn chặn kịp thời những mối nguy vốn đã tồn tại từ lâu, MiCA không giới hạn những quyền lợi mà nhà đầu tư được hưởng. Thay vào đó, dựa trên những nghĩa vụ mà các bên chủ thể phải đáp ứng khi tham gia vào thị trường, MiCA mang đến cho nhà đầu tư những quyền lợi thiết thực và đa dạng hơn.

Một trong những quyền cơ bản mà nhà đầu tư luôn sở hữu khi tham gia vào thị trường, là việc được quy đổi tài sản mã hóa thành tiền pháp định hoặc tài sản mã hóa khác. Kèm với đó, họ được quyền rút khoản tiền khỏi dự án mình đã trực tiếp đầu tư mà không mất khoản phí nào (nếu trong thời gian trước đó đã chi khoản phí nào thì cũng được hoàn trả lại). Kể từ ngày nhận được thông báo rút lại thỏa thuận của khách hàng, các chủ thể có liên quan có nghĩa vụ hoàn trả lại khoản đầu tư và không được thu thêm bất kỳ loại phí nào khác.

Không chỉ vậy, nhà đầu tư còn có quyền yêu cầu tổ chức phát hành mua lại khoản đầu tư của mình. Điều này xuất phát từ việc những thông tin tiêu cực về dự án xuất hiện, dẫn đến tâm lý lo sợ đồng tiền mã hóa sẽ mất giá. Ở đây, nếu trường hợp nhận được quá nhiều yêu cầu mua lại từ khách hàng, rõ ràng, chủ thể phát hành cần phải xem xét lại quá trình hoạt động của mình trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.

Đối với ICO (chào bán ra công chúng lần đầu), hiện nay đa số chỉ xuất hiện những tin tức tiêu cực về hình thức này. Để xóa bỏ cái nhìn tiêu cực về hình thức này, cần có nhiều hơn những dự án ICO có tiềm năng phát triển thực sự, mang lại giá trị thiết thực cho nhà đầu tư. Phòng tránh những trường hợp tương dự diễn ra, MiCA đã mang lại cho nhà đầu tư quyền được hoàn trả khoản đầu tư khi dự án ICO bị hủy. Trong mọi trường hợp, dù dự án bị hủy vì bất cứ lý do nào, chủ dự án đó phải có trách nhiệm bồi hoàn cho nhà đầu tư. Bằng không, họ sẽ phải chịu những chế tài mà MiCA đã quy định.

Ngoài ra, tài sản của nhà đầu tư sẽ luôn được bảo vệ bởi chủ thể cung cấp dịch vụ, nhà phát hành hay sàn giao dịch. Quyền được bảo vệ an toàn về tài sản mã hóa, có thể nói, là một trong những quyền quan trọng bậc nhất mà MiCA mang đến cho nhà đầu tư. Không chỉ giúp giảm bớt phần nào nỗi lo, qua đó còn cho thấy được những dự trù trong khâu soạn thảo từ phía Nghị viện châu Âu.

Việt Nam và tương lai của thị trường tài sản mã hóa

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam luôn nằm trong tốp 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ chấp nhận tiền mã hóa. Theo một khảo sát, khoảng 23% người Việt Nam cho biết họ có sở hữu tiền mã hóa.

Tại Việt Nam, lượng truy cập đến các trang web Binance, CoinGecko hay CoinMarketCap (đây là ba trang web phổ biến nhất được các nhà đầu tư sử dụng khi tham gia thị trường này) được báo cáo là vô cùng cao. Điều này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đến thị trường này tại Việt Nam là rất đáng kể. Phần lớn nhà đầu tư tại Việt Nam nằm trong độ tuổi còn rất trẻ, họ có rất ít kinh nghiệm và thường có tỷ lệ lỗ nhiều.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp và cũng không thực hiện chức năng của tiền pháp định. Dẫu vậy, do tâm lý hiếu kỳ của người dân, đã xảy ra không ít trường hợp “tan nhà nát cửa” chỉ vì lỡ đầu tư vào. Họ chưa có sự chuẩn bị về mặt kiến thức lẫn kinh nghiệm, sau đó, cho rằng đây là một cái bẫy lừa đảo. Từ đó, theo thời gian, thị trường này mang trong mình những “tiếng ác”.

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa công nhận tiền mã hóa là bất kỳ loại tài sản nào theo pháp luật. Trong giai đoạn 2021-2023, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng và thí điểm về tài sản mã hóa. Nhằm mục tiêu hạn chế những rủi ro từ rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo chiếm đoạt tài sản..., Việt Nam nên bắt đầu có những bước đi thiết thực, rõ ràng hơn trong việc xây dựng một bộ khung pháp lý dành riêng cho thị trường này.

Việc học hỏi, tham khảo quy định từ các quốc gia này rất cần thiết. Quan trọng nhất là MiCA đã chính thức được phê duyệt, Việt Nam nên cân nhắc xem MiCA như luật mẫu. Thông qua đó, xây dựng các quy định chi tiết, phù hợp hơn với hệ thống pháp luật của chúng ta.

1 BÌNH LUẬN

  1. quan trọng là chính phủ không thể kiểm soát được dòng tiền mã hoá .Máy chủ chứa các loại tiền này nằm ở đâu đó trên thế giới này

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới