Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Viết tiếp về nông nghiệp – nông dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Viết tiếp về nông nghiệp – nông dân

Oằn lưng một nắng hai sương để làm ra hạt lúa, năm mất mùa thì đói, nhưng khi trúng mùa, nông dân lại lo không bán được giá!

(TBKTSG) – Tháng 4, tháng 5 vừa qua, khi giá gạo thế giới tăng cao kỷ lục, thị trường gạo trong nước sốt ảo, nông dân ở nhiều địa phương của ĐBSCL vội vàng phá bỏ tràm, vườn cây ăn trái để trồng lúa.

Bên cạnh đó, dù các nhà khoa học đã cảnh báo không nên trồng lúa vụ ba dễ bị rầy nâu bùng phát phá hoại nhưng nông dân vẫn ào ạt cấy lúa.

Giờ đây, khi giá gạo thế giới “tuột dốc” gần 50% so với thời điểm tháng 5, giá lúa trong nước cũng giảm mạnh thì hàng triệu nông dân, nhất là những người đã phá rừng, phá vườn trồng lúa lại một phen dằn vặt, lo lắng đầu ra. Cũng vì chạy theo giá lúa, nông dân ở vùng Đồng Tháp Mười bỏ cây sen đặc sản, còn ở vùng khác thì bỏ trồng đay.

Tại một số tỉnh ven biển miền Trung như Ninh Thuận, giá muối tăng đã kéo người nuôi tôm rầm rộ chuyển sang làm muối. Nông dân Khánh Hòa thì đau lòng đốt bỏ cánh đồng mía vì khó bán, hiệu quả kinh tế thấp, còn nông dân ĐBSCL thì đang lo mía rớt giá (TBKTSG 36-2008). Trên Tây Nguyên, phong trào trồng cao su, cà phê, hồ tiêu làm cho hàng vạn héc ta rừng tự nhiên bị “làm thịt” không thương tiếc!

Rõ ràng, ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam nước ta, nông dân đang canh tác trong tư thế nhấp nhổm, “chặt phá, trồng lại, rồi lại chặt phá”, kéo dài nhiều năm mà chưa có lối ra. Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản (vốn được xem là những bà đỡ của nông dân) phần đông vẫn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, gặp khó khăn thì lại “kêu”, “xin” Chính phủ chỉ đạo, hỗ trợ…; thấy có lợi nhuận thì tranh nhau làm, có khi bất chấp cả lợi ích của nông dân và lợi ích của hiệp hội, của quốc gia.

Còn những cơ quan chức năng gắn liền với lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn, nếu như trước đây thường can thiệp kiểu “cầm tay chỉ việc”, buộc người nông dân phải trồng cây này nuôi con kia thì nay lại chọn cách an toàn (nhưng thiếu trách nhiệm) là… né tránh, chỉ đạo – khuyến cáo chung chung. Mặc dù Việt Nam đứng trong tốp đầu các nước xuất khẩu nông hải sản: gạo, cà phê, điều, cao su, hồ tiêu, tôm, cá nhưng việc sản xuất nông – ngư nghiệp ở Việt Nam vẫn tự phát là chính, nông dân phải tự lo!

Thực trạng đó dẫn đến tình hình sản xuất nông nghiệp thiếu ổn định, hiệu quả kinh tế thấp và bị thua thiệt so với các quốc gia khác cũng có thế mạnh về xuất khẩu nông – thủy sản, mà rõ nhất là mặt hàng gạo của Việt Nam luôn bị thua thiệt so với gạo Thái Lan!

Để khắc phục thì cần quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp. Quy hoạch phải dựa trên cơ sở tổng kết – nghiên cứu nhiều yếu tố, trong đó không thể xem nhẹ yếu tố lịch sử, truyền thống sản xuất thì mới bảo đảm được tính thực tiễn và bền vững.

Mặt khác, phải đầu tư, đổi mới công tác dự báo thị trường. Trong khi Chính phủ chưa đủ sức tài trợ trực tiếp cho nông dân (vào lúc mùa màng thất bát, giá nông thủy sản xuống thấp) như các nước phát triển, thì hệ thống chính sách, cơ chế cần hướng đến hoặc đầu tư trực tiếp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc thông qua các hiệp hội ngành nghề để dẫn dắt, khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, bảo vệ quyền lợi của số đông nông dân…

NGUYỄN VĂN HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới