Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vietfish 2009: cơ hội trong khó khăn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vietfish 2009: cơ hội trong khó khăn

Hồng Văn

Khách hàng tham quan các gian hàng thủy sản tại Hội chợ Vietfish 2009-Ảnh: Thái Hằng

(TBKTSG Online) – Hội chợ thủy sản quốc tế Vietfish 2009 khai mạc sáng ngày 12-6 tại TPHCM được các doanh nghiệp thủy sản xem như là cơ hội xúc tiến xuất khẩu thủy sản trên “sân nhà”, trong tình cảnh 5 tháng đầu năm nay xuất khẩu bị giảm sút sau hơn chục năm liên tục tăng trưởng.

Hàng loạt thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị co hẹp khi túi tiền của người tiêu dùng thế giới thắt chặt hơn. Nhưng cũng có những thị trường tiềm năng mà Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đang đẩy mạnh xúc tiến.

Cá tra “bơi” mạnh sang Nga  

Giữa tháng 5 qua, khoảng 5.000 tấn phi lê cá tra đã rời cảng Việt Nam lên đường sang thị trường Nga sau một thời gian gián đoạn kể từ tháng 12-2008. Trong hạn ngạch xuất khẩu cá tra sang Nga năm nay, các nhà xuất nhập khẩu hai nước cam kết khoảng 90.000 tấn. Chính vì sự gián đoạn của thị trường Nga mà ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc Công ty Agifish, một nhà xuất khẩu cá ở An Giang, ước tính kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm nay bị giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái có một phần lý do là bị đóng cửa vào thị trường Nga.  

Tuy nhiên, nay tình hình đã khác. Các doanh nghiệp thành viên trong ban điều hành xuất khẩu cá tra đã bay sang Nga để cùng các nhà nhập khẩu nước này mở container lấy mẫu lô hàng cá tra kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương ở Tiền Giang, cũng là Trưởng ban điều hành xuất khẩu cá tra, tại hội chợ Vietfish nói rằng sẵn sàng cam kết với nhà nhập khẩu là sẽ không lấy tiền nếu lô hàng có vấn đề về chất lượng. Thậm chí, công ty của ông đứng ra thay các công ty khác đền tiền cho nhà nhập khẩu.  

Quyết tâm của các doanh nghiệp thủy sản trong việc thâm nhập trở lại thị trường Nga lần này đã phần nào có kết quả, khi mà trong hội chợ Vietfish 2009 này, một đoàn các nhà nhập khẩu Nga sang tham quan hội chợ để xúc tiến việc mua thêm thủy sản, không chỉ cá tra mà còn tôm, hàng thủy sản khô.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, hiện tại phía Nga cùng Việt Nam mới thỏa thuận công nhận 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá vào thị trường này. Do vậy, sau lô hàng đầu tiên sang Nga cùng với đoàn khách Nga sang tham quan Vietfish 2009, có thể Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Vasep sẽ đề nghị phía Nga tăng thêm số lượng các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào thị trường nước này.

“Hiện nay chúng ta chỉ bán phi lê cá tra sang Nga, nhân hội chợ này, các doanh nghiệp thủy sản trong nước sẽ giới thiệu thêm các sản phẩm tinh chế có giá trị gia tăng cao từ cá tra cho khách hàng Nga và nếu thành công, đây là cơ hội mới cho các nhà xuất khẩu”, ông Hòe cho hay.

Tín hiệu lạc quan từ thị trường Mỹ

Không phải ngẫu nhiên mà trong khuôn khổ Vietfish 2009, Công ty FDA Registrar của Mỹ tổ chức hội thảo “Làm thế nào để đạt được những yêu cầu theo quy định của FDA” cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, bởi xuất khẩu thủy sản thời gian gần đây vào thị trường Mỹ đã phục hồi trở lại trong khi nhiều thị trường truyền thống khác bị giảm sút.

Hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản Việt Nam (Vietfish 2009) diễn ra trong 3 ngày bắt đầu vào sáng 12-6 tại Trung tâm triển lãm quốc tế Sài Gòn có 180 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giới thiệu sản phẩm ở 326 gian hàng.

Ông Trương Đình Hòe cho biết, tuy Mỹ bị tác động mạnh của khủng hoảng tài chính nhưng thủy sản Việt Nam sang thị trường này trong 5 tháng qua đạt 228 triệu đô la Mỹ, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái và hiện chiếm 16,7% thị phần xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp.

Sau một thời gian dài con cá tra Việt Nam xuất vào Mỹ bị hạn chế bởi thuế chống phá giá, nay sau nhiều lần Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại và đã có một số doanh nghiệp xuất cá tra Việt Nam được áp thuế chống bán phá giá 0% hoặc gần 0%. Do vậy mà trong 5 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ tăng ấn tượng nhất với mức tăng 60% lên 46 triệu đô la Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu cá tra có mức tăng trưởng cao nhất hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương tại hội chợ, đã nói với giới báo chí rằng: “Đây là tín hiệu tốt cho thủy sản Việt Nam”. Tuy nhiên ông Phương cũng cảnh báo nếu xuất khẩu mà tập trung quá nhiều vào một vài thị trường thì sẽ “có chuyện ngay”.

Điển hình là Việt Nam xuất khẩu thủy sản ào ạt sang Mỹ giai đoạn 2001-2003, ngay sau đó bị liên tiếp hai vụ kiện chống bán phá giá hết cá tra tới tôm; rồi năm ngoái ồ ạt bán cá tra sang Nga không thể kiểm soát tới mức chính các nhà nhập khẩu Nga đã đề nghị cơ quan chức năng nước này tạm ngưng nhập cá của Việt Nam.  

Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt gần 400.000 tấn với kim ngạch 1,369 tỉ đô la Mỹ, giảm 5,6% về sản lượng và 9,4% về kim ngạch, trở thành khoảng thời gian đầu tiên mà thủy sản xuất khẩu tăng trưởng âm sau chục năm liên tục tăng trưởng cao, mà năm ngoái kim ngạch lên tới 4,5 tỉ đô la Mỹ.

Ông Hòe nhận định hiện nay sức mua thủy sản trên thị trường thế giới chưa hồi phục, ngân hàng các nước giảm bớt cho vay mua thủy sản dự trữ cho mùa Giáng sinh, mùa Tết dương lịch như mọi năm. Thông thường mọi năm thì tháng 6 trở đi, xuất khẩu bắt đầu vào mùa khi nhà nhập khẩu mua dự trữ.

Tuy vậy, ông Hòe cũng hy vọng Vietfish 2009 là cơ hội cụ thể để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có nhiều điều kiện phô bày các sản phẩm của mình, cũng như đưa các nhà nhập khẩu đi tham quan cơ sở sản xuất nếu họ muốn thay vì những điều kiện như vậy khó có thể có khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế ở nước ngoài.

Trong 5 tháng qua, Vasep đã tổ chức hai đoàn doanh nghiệp đi tham dự hai hội chợ thủy sản quốc tế ở Mỹ và liên minh châu Âu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới