Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VietinBank có thể tìm lại một cổ đông như IFC không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VietinBank có thể tìm lại một cổ đông như IFC không?

Minh Trang

(TBKTSG Online) – Việc Tổ chức tài chính quốc tế IFC cùng công ty con là IFC Capitalization (Equity) bán hơn 57 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – VietinBank (HSX: CTG) có thể gây nhiều tiếc nuối và có thể là cả khó khăn cho ngân hàng này khi khó có thể tìm được một cổ đông như IFC trong tương lai.

Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – VietinBank (HSX: CTG) mới đây đã đưa ra thông báo về thay đổi sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn. Theo đó, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) đã giảm tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này xuống còn 2,145% từ 2,632%, tương đương hơn 98 triệu cổ phiếu CTG xuống còn 79,8 triệu cổ phiếu.

VietinBank có thể tìm lại một cổ đông như IFC không?
IFC đầu tư vào VietinBank từ năm 2011 với 168,58 triệu cổ phần CTG qua phát hành riêng lẻ. Ảnh: VietinBank

Công ty quản lý tài sản của tổ chức này, IFC Capitalization (Equity) Fund L.P. cũng trao tay hơn 39 triệu cổ phiếu CTG cho nhà đầu tư khác, giảm tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này từ 5,395% xuống còn 4,341% sau giao dịch.

Tổng số lượng giao dịch của 2 tổ chức này là hơn 57,3 triệu cổ phần và sau giao dịch chuyển nhượng cổ phần này, tỷ lệ sở hữu của 2 tổ chức tại VietinBank giảm xuống còn là 6,486% từ 8,027%. Ngày thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhóm đầu tư này là 15-11-2019.

Thay đổi sở hữu của nhóm nhà đầu nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn. Nguồn: HSX.

Thông tin về IFC muốn tìm nhà đầu tư để bán lại số cổ phần tại VietinBank đã có từ gần 2 năm trước. Trên thực tế, tại thời điểm cuối năm 2017 tổ chức này đã có quyết định bán sổ cổ phần tại ngân hàng này.

Trao đổi với TBKTSG Online, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng lý do IFC bán cổ phần tại VietinBank tại thời điểm này bao gồm thời hạn nắm giữ cổ phần tại ngân hàng này đã gần 10 năm – một khoảng thời gian khá dài cho một khoản đầu tư, và vượt qua thời gian dự định đầu tư ban đầu là 7 năm.

IFC đầu tư vào VietinBank từ năm 2011 với 168,58 triệu cổ phần được VietinBank phát hành riêng lẻ cho IFC. Trong số đó, IFC nắm giữ hơn 55,28 triệu cổ phần, tương đương gần 3,28% vốn điều lệ và IFC Capitalization (Equity) nắm giữ hơn 113,29 triệu cổ phần, tương đương 6,72%. Mức giá phát hành 22.000 đồng/cổ phiếu, số cổ phần này hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm.

Một lý do quan trong hơn đó là khi IFC trở thành cổ đông của VietinBank, tổ chức này tham gia với một mục tiêu là giúp cổ phần hóa ngân hàng này, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước xuống còn 51% tại thời điểm 2 năm trước đây. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không đạt được và do thời gian nắm giữ cổ phần tại ngân hàng này cũng đã lâu nên IFC quyết định rút vốn.

Sau thương vụ bán cổ phần này, định chế tài chính IFC vẫn là cổ đông lớn của VietinBank. Tuy nhiên với quyết định bán cổ phần đã có, không loại trừ khả năng nhóm IFC sẽ tiếp tục bán cổ phần của VietinBank khi được giá trong tương lai. Giá trị có thương vụ bán cổ phần này ước tính rơi vào khoảng hơn 1.232 tỉ đồng.

Đại diện IFC cho biết tổ chức này trong thời gian hợp tác đã hỗ trợ nguồn vốn cũng như tư vấn giúp VietinBank trở thành ngân hàng bán lẻ và phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hàng đầu tại Việt Nam. Là một cổ đông chiến lược, IFC đã hỗ trợ VietinBank đạt được mục tiêu này thông qua đầu tư vốn cổ phần, cho vay dài hạn và cung cấp các hạn mức tài trợ thương mại.

IFC cũng giúp VietinBank tìm được nhà đầu tư nước ngoài chiến lược, và tư vấn cho VietinBank nâng cao khả năng quản trị rủi ro, quản trị ngân hàng, mở rộng cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và phát triển các sản phẩm mới như cho vay các dự án hiệu quả năng lượng.

Theo MBKE, khi IFC quyết định rút vốn khỏi VietinBank, ngân hàng này có thể sẽ khó tìm lại được một cổ đông tổ chức với chức năng cung cấp các khoản đầu tư để thúc đẩy phát triển của khu vực kinh tế tư nhân tại những quốc gia đang phát triển như IFC – một tổ chức đã đồng hành cùng VietinBank trong một khoảng thời gian khá dài. Còn đối với các nhà đầu tư tài chính thì cổ phiếu CTG vẫn khá hấp dẫn với chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách (P/B) là hơn 1.

Ngân hàng Nhà nước hiện là cổ đông lớn nhất của VietinBank với tỷ lệ sở hữu 64,46%. The Bank of Tokyo – Mitsubishi UFJ (BTMU) là cổ đông nước ngoài lớn nhất của VietinBank sở hữu 19,73% cổ phần.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới