Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VietJet Air chuẩn bị cất cánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VietJet Air chuẩn bị cất cánh

Bình Nguyên

VietJet Air chuẩn bị cất cánh
Ông Lưu Đức Khánh – Ảnh: Bình Nguyên

(TBKTSG Online) – VietJet Air ngày 2-12 bắt đầu bán vé qua tất cả các kênh gồm hơn 200 đại lý bán vé máy bay, phòng vé của Hãng hàng không tư nhân này trên toàn quốc sau một thời gian chỉ bán vé qua trang web www.vietjetair.com cho các chuyến bay giữa Hà Nội và TPHCM từ ngày 25-12.

>>> VietJet Air sẽ cất cánh ngày 25-12.

>>> VietJet Air sẽ bay giá rẻ.

Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành của VietJet Air, đã có cuộc trao đổi ngắn với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về kế hoạch phát triển mạng đường bay của hãng cũng như việc bán vé trong thời gian tới nhân sự kiện ra mắt hãng hàng không này, đánh dấu sự tham gia của hãng vào thị trường hàng không Việt Nam với mô hình hàng không chi phí thấp.

Được biết, VietJet Air đã ký thuê 3 máy bay Airbus A320. Ông có thể cho biết kế hoạch đưa các máy bay này vào Việt Nam để chuẩn bị cho các chuyến bay thương mại của hãng?

Ông Lưu Đức Khánh: Theo kế hoạch, chiếc máy bay đầu tiên sẽ vào Việt Nam ngày 8-12, chiếc thứ 2 vào ngày 10-12 và chiếc còn lại vào thời gian sau đó. VietJet Air đã ký thuê 3 máy bay này từ đối tác Alafco Aviation của Kuwait. Sau đó, VietJet Air sẽ xem xét thuê, mua thêm máy bay tùy thuộc vào nhu cầu của hãng cà phát triển của thị trường. Tất cả máy bay mà chúng tôi sử dụng đều là Airbus A320 vì đây là loại máy bay tiết kiệm chi phí và chi phí cho bảo trì cũng thấp.

Kế hoạch khai thác các điểm nội địa của hãng hàng không VietJet Air

TPHCM – Hà Nội: Từ 2 đến 8 chuyến/ngày.

TPHCM – Đà Nẵng: Từ 2 đến 4 chuyến/ngày.

TPHCM – Hải Phòng: Từ 1 đến 2 chuyến/ngày.

Hà Nội – Cam Ranh: Từ 1 đến 2 chuyến/ngày.

Hà Nội – Đà Lạt: Từ 1 đến 2 chuyến/ngày.

Kế hoạch phát triển đội máy bay

2012: 6 máy bay.

2013: 9 máy bay.

2014: 12 máy bay.

2015: 15 máy bay.

Là một hãng hàng không mới gia nhập Việt Nam sau 4 năm được cấp phép, liệu VietJet Air có thể  tạo được một chỗ đứng vững chắc trên “sân nhà” trước khi vươn ra quốc tế?

– Theo kế hoạch, trong 2 tuần đầu tiên VietJet Air sẽ bay TPHCM-Hà Nội và tăng chuyến, sau đó bay đến Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Lạt… Dự kiến, mạng đường bay của hãng sẽ phủ đến tất cả các điểm này trong vòng 6 tháng tới. 

VietJet Air cũng được cấp phép khai thác các đường bay quốc tế và dự kiến sẽ triển khai bay quốc tế trong vòng 6 tháng tới. Vậy mục tiêu, kế hoạch này sẽ được thực hiện thế nào?

– Đây đúng là một thách thức rất lớn của chúng tôi nhưng mục tiêu của chúng tôi là sẽ đưa VietJet Air tới các sân bay quốc tế. Qua các buổi làm việc với cơ quan du lịch, chúng tôi biết rằng đây là mục tiêu, yêu cầu mà chúng tôi phải thực hiện nếu muốn tiếp cân, mang thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Hiện chúng tôi đang cân nhắc một số điểm đến quốc tế tại các thị trường như Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. VietJet Air đang xem xét đâu là những điểm đến tốt cho các chuyến bay nối với Việt Nam.

VietJet Air chọn đường bay, thị trường quốc tế được chọn sẽ dựa trên các yếu tố nào? 

– Chúng tôi sẽ xem xét yếu tố thị trường, lượng khác du lịch từ các thị trường này đến Việt Nam, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tại các thị trường này phát triển ra sao.

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán và vé cho các chuyến bay tết rất khan hiếm. Vậy, VietJet Air đã bán vé tết chưa và kế hoạch bán vé sẽ được thực hiện ra sao?

– Chúng tôi đã đưa tất vé lên hệ thống để bán, gồm cả trang web cho các chuyến bay mùa tết và không giữ lại vé nào cả. Đặc điểm của hàng không chi phí thấp VietJet Air là những khách nào có nhu cầu và có kế hoạch tốt nhất thì sẽ tìm được vé rẻ nhất. Bây giờ khách cũng có thể mua vé cho các chuyến bay trên các đường bay hãng khai thác vào dịp lễ 30-4 năm tới nếu họ đã chuẩn bị kế hoạch đi tốt.

VietJet Air đã chuẩn bị nguồn lực tài chính cho 5 năm

Trong phần trả lời các câu hỏi của phóng viên qua thư điện tử, Phó tổng giám đốc VietJet Air ông Nguyễn Đức Tâm, cho rằng VietJet Air đã có những kế hoạch rất căn cơ và chuẩn bị nguồn lực tài chính cho kế hoạch 5 năm. “Mục tiêu của chúng tôi những năm đầu là là tập trung cho chất lượng phục vụ, đảm bảo lịch bay ổn định và đúng giờ. Chúng tôi đã xác định rất rõ là những năm đầu chưa thể có thu nhập, nhưng chúng tôi cũng đã có kế hoach dần dần cân đối giữa doanh thu và chi phí và tiến tới có lãi trong những năm sau”, ông nói.

Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VietJet Air, nói với phóng viên rằng một trong các ưu tiên hàng đầu là quản lý hiệu quả các nguồn chi phí để tồn tại và phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch HĐQT của VietJet Air, cho biết nói tại buổi khai trương phòng vé tại TPHCM ngày 2-12 rằng hàng không là một ngành kinh doanh không khó khăn, nhất là vào thời điểm hiện nay khi lạm phát và lãi suất ngân hàng còn cao, nhưng VietJet Air vẫn quyết tâm bay và phát triển hãng này với sự hậu thuẫn của các cổ đông gồm Sovico và HD Bank để đóng góp cho phát triển ngành hàng không Việt Nam.

Ông Hùng sau một thời gian dài chuẩn bị về bộ máy hoạt động, ngoài thuê 3 máy bay Airbus A320, VietJet Air đã tìm được đội ngũ phi công nước ngoài và các tiếp viên được đào tạo tại Malaysia và Thái Lan để chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên ngày 25-12.

Vào tháng 12-2007, VietJet Air được cấp phép thực hiện các chuyến bay trong nước và quốc tế, với số vốn điều lệ 600 tỉ đồng. Ngày 27-10 tại TPHCM, hãng ký hợp đồng thuê máy bay 3 máy bay Airbus A320 từ đối tác tại Kuwait.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới