Thứ sáu, 15/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vietnam Airlines âm vốn, đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với việc tiếp tục ghi nhận kết quả thua lỗ trong quí 2-2021, Vietnam Airlines lần đầu tiên bị âm vốn chủ sở hữu và đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí 2-2021. Mặc dù doanh thu thuần quí 2 vẫn tăng 9% lên gần 6.537 tỉ đồng, các chi phí cố định lớn khiến doanh nghiệp bị lỗ gộp hơn 3.497 tỉ đồng, cao hơn mức lỗ 2.865 tỉ đồng cùng kỳ năm trước. Với việc lỗ trong quí này, hãng hàng không quốc gia đã có 6 quí lỗ nặng liên tiếp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Như vậy, Vietnam Airlines đã lỗ lũy kế lên đến 17.772 tỉ đồng, vượt vốn điều lệ và lần đầu tiên âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỉ đồng.

Vietnam Airlines lần đầu tiên âm vốn chủ sở hữu

Ngoài ra, nguồn thu tài chính cũng sụt giảm 84% so với cùng kỳ do giảm lãi chênh lệch tỷ giá. Lãi tiền gửi, tiền cho vay bằng 1/5 cùng kỳ. Tổng công ty cũng không còn ghi nhận nguồn thu từ khoản thanh lý, nhượng bán tài sản cố định như cùng kỳ.

Vietnam Airlines cho biết số liệu chi phí khấu hao và chi phí phân bổ sửa chữa bảo dưỡng máy bay động cơ quí 2 và 6 tháng đầu năm 2020 và năm 2021 đã được ghi nhận theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Nghị quyết của Chính phủ. Đây là nguyên nhân chính khiến giá vốn của Vietnam Airlines giảm đi đáng kể, giúp giảm lỗ.

Vietnam Airlines lý giải dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu. Tổng doanh thu của công ty mẹ giảm 26,5% so với cùng kỳ quí 2020. Ngoài công ty mẹ bị ảnh hưởng, lợi nhuận của các công ty con có liên quan đến dịch vụ cung cấp hàng không cũng giảm mạnh như Veaco, Nasco…

Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Tuy nhiên việc huỷ niêm yết chỉ diễn ra khi điều này được ghi nhận trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất.

Như vậy để giải quyết những vấn đề của bảng cân đối kế toán, Vietnam Airlines đang tiến hành chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tăng vốn thêm 8.000 tỉ đồng. Trong đợt tăng vốn này, cổ đông chiến lược ANA Holdings không tham gia mà chuyển nhượng lại cho cán bộ/nhân viên Vietnam Airlines với giá 0 đồng. Hãng hàng không Nhật Bản chấp nhận việc pha loãng do cũng đang trong tình trạng khó khăn.

Nếu việc chào bán cổ phần không sớm được thực hiện để tăng vốn điều lệ thì nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc là rất lớn. Hiện nay mã chứng khoán này đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 15-4 và đang được giao dịch quanh vùng giá 21.000 đồng/cổ phần.

Tính đến cuối kỳ báo cáo vừa qua, quy mô tổng tài sản Vietnam Airlines giảm hơn ngàn tỉ đồng về mức 61.255 tỉ đồng. Lưu chuyển tiền thuần âm trong nửa đầu năm dẫn đến lượng tiền và tương đương tiền của hãng còn 1.289 tỉ đồng, giảm 23% so với đầu năm. Tổng vay nợ tài chính tăng lên 34.462 tỉ đồng, chiếm hơn 56% tổng nguồn vốn.

Trong năm nay, một mục tiêu quan trọng mà ban điều hành Vietnam Airlines đặt ra là biện pháp cắt giảm tự thân tiết kiệm 6.800 tỉ đồng (năm 2020 đã tiết kiệm 5.500 tỉ đồng).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới