(KTSG Online) - Chuyến bay thương mại thường lệ đầu tiên của Vietnam Airlines đến Mỹ sẽ cất cánh vào tối 28-11 với hành trình TPHCM - San Francisco. Đây là chuyến bay thương mại thường lệ mở màn cho đường bay thẳng duy nhất ở khu vực đến Mỹ, dự kiến ban đầu là 2 chuyến/tuần.
Theo tin từ Vietnam Airlines, kế hoạch bay thường lệ của hãng sẽ khởi đầu vào đêm 28-11 với hành trình TPHCM - San Francisco kéo dài 13h50 phút. Chiều về từ San Francisco vào đêm 29-11 và dự kiến hạ cánh tại TPHCM vào sáng 1-12. Các chuyến bay đều được khai thác bằng tàu thân rộng B787.
Sau đó, từ tháng 12, hãng sẽ khai thác thường lệ đường bay thẳng này với tần suất 2 chuyến/tuần và tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.
Hãng hàng không quốc gia, vốn đã có văn phòng đại diện tại Mỹ từ 20 năm trước và 11 năm nay đã thực hiện các chuyến bay đến Mỹ thông qua liên danh với Delta Air Lines, là hãng đầu tiên được cấp phép bay thương mại thường lệ (khác với các chuyến bay giải cứu hay các chuyến bay được cấp phép có giới hạn và điều kiện, không được mở bán trên website như cách đây vài tháng). Để có được giấy phép này, hãng đã trải qua 5 năm xin phép qua 9 cơ quan quản lý phía Mỹ và đợi các điều kiện cấp phép cùng Cục hàng không Việt Nam (nhận chứng chỉ CAT 1-2019).
Đường bay thương mại thường lệ đầu tiên của hãng lựa chọn điểm đến là bờ Tây nước Mỹ với điểm đến San Francisco vì theo dự kiến, lượng khách đông đảo nhất trên đường bay này là Việt kiều có nhu cầu đi lại giữa hai quốc gia (dự kiến hơn 50%), một bộ phận khách công vụ và du lịch trong tương lai.
Việc quyết định thực hiện chuyến bay đến Mỹ trong điều kiện hàng không gặp khó khăn, đại diện Vietnam Airlines nhận định: "Đây là quyết định được tính toán kỹ nhiều năm để góp phần phục hồi kinh tế cho Vietnam Airlines nói riêng và khôi phục lại vị thế ngành hàng không Việt Nam trong thời điểm đại dịch. Ý nghĩa khác của nó là nhằm cải thiện dòng tiền và đưa đội bay thân rộng của hãng vào khai thác trở lại".
Mất 20 năm để VA “tính toán” đường bay thẳng đến Mỹ. Chắc chắc điều này không phụ thuộc vào bài toán hiệu quả cạnh tranh mà là bài toán động lực cạnh tranh ? Trong khi đó BamBoo chỉ cần khoảng 3 năm để triển khai việc này. Rõ ràng, cạnh tranh thị trường lúc nào cũng tốt cho người tiêu dùng và nền kinh tế đất nước.