Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vietnam Airlines đã phục hồi 80% dòng tiền bình quân hàng ngày

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- Cùng với tốc độ phục hồi nhanh của thị trường hàng không nội địa, Vietnam Airlines đến thời điểm này đã phục hồi 80% doanh thu bình quân hàng ngày so với thời điểm trước đại dịch. Tuy nhiên, hãng vẫn âm vốn chủ sở hữu và vẫn phải tìm cách để cân đối dòng tiền, tái cơ cấu, trụ lại sàn HOSE.

Vietnam Airlines đã âm vốn chủ sở hữu từ quí 1-2022 sau 2 năm thua lỗ vì đại dịch. Gói cứu trợ 12 ngàn tỉ đồng dưới hình thức tái cấp vốn và tăng vốn điều lệ từ cổ đông nhà nước đã cứu được hãng trụ lại sàn HOSE đến thời điểm này. Nhưng nếu tình hình tiếp tục kéo dài, Vietnam Airlines có thể không ở lại sàn HOSE được lâu nữa.

Tuy nhiên, sự phục hồi rất nhanh của thị trường hàng không nội địa đã “cứu” dòng tiền cho hãng. Ông Trần Thanh Hiền nói tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2022 (28-7): “Dòng tiền bình quân hàng ngày tại thời điểm này của hãng đã phục hồi đến 80% so với thời điểm trước đại dịch, dù đường bay quốc tế mới phục hồi được khoảng 20%”. Như vậy có nghĩa là khả năng duy trì hoạt động liên tục của hãng đã được cải thiện nhiều.

Nếu giá dầu không tăng thẳng đứng, cơ hội phục hồi của các hãng hàng không Việt Nam sẽ nhanh hơn. Ảnh:VNA

Ông Hiền cho biết, hãng đã xây dựng phương án điều hành dòng tiền 2022 để đảm bảo hoạt động liên tục, đạt được thỏa thuận tích cực với các chủ nợ, nhà cung cấp.

Tổng số tiền nợ phải trả cho các nhà cung cấp giãn/hoãn thanh toán tại thời điểm cuối năm 2021 là 12.851 tỉ đồng, chủ yếu là tiền thuê máy bay, sửa chữa bảo dưỡng, chi phục vụ chuyến bay... Vietnam Airlines đang tiếp tục làm việc với các đối tác về phương án cơ cấu lại thời gian và số tiền trả nợ nhà cung cấp.

Năm 2021, hãng tái cơ cấu nợ vay trong và ngoài nước là khoảng 3.203 tỉ đồng. Số nợ gốc phải trả năm 2021 được cơ cấu giãn nợ sang các năm sau là khoảng 2.245 tỉ đồng, đã giúp giảm đáng kể áp lực dòng tiền.

Việc phục hồi 80% dòng tiền hàng ngày giúp Vietnam Airlines có thể giảm lỗ nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu như giá nhiên liệu Jet A1 năm 2021 là 72 đô la Mỹ/thùng thì đến năm 2022 bình quân là 131 đô-140 đô/thùng và hiện có thời điểm lên đến hơn 160 đô/thùng, đã khiến tất cả các hãng hàng không đều lỗ.

“Chi phí nhiên liệu nếu là 160 đô/thùng thì chiếm đến 50% tổng chi phí chuyến bay, không thể cân bằng được tài chính”, ông Hiền nói.

Do đó, trong kế hoạch năm 2022 Vietnam Airlines đã đặt doanh thu lên đến 45 ngàn tỉ đồng nhưng mức lỗ vẫn hơn 9.000 tỉ đồng do chi phí nhiên liệu “ăn” hết. “Nếu thị tường tốt như thời điểm này, giá nhiên liệu chỉ 80 đô la Mỹ, thì năm nay hãng sẽ giảm lỗ xuống mức 3.000–4.000 tỉ đồng”, ông Hiền nói thêm.

Từ tháng 7-2022, Vietnam Airlines sẽ nâng tổng số đường bay quốc tế lên 39 đường bay, bằng 60% so với 2019. Hiện số đường bay quốc tế, nơi chiếm 65% doanh thu của Vietnam Airlines dự kiến phục hồi vào năm 2024, dựa theo dự báo về thị trường mới nhất của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới