Thứ sáu, 15/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vietnam Airlines đang có nợ quá hạn hơn 13.000 tỉ đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vietnam Airlines đang có nợ quá hạn hơn 13.000 tỉ đồng

V.Dũng

(KTSG Online) - Nguyên nhân phát sinh nợ quá hạn là do tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến Vietnam Airlines phải dừng toàn bộ đường bay quốc tế thường lệ. Trong bối cảnh đó hãng vẫn phải thanh toán các khoản chi phí cố định như thuê tàu bay, phí đỗ tàu bay, bảo dưỡng sửa chữa…

Vietnam Airlines đang có nợ quá hạn hơn 13.000 tỉ đồng
Vietnam Airlines đang lên phương án phát hành cổ phiếu để thanh toán nợ. Ảnh: DNCC

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa ban hành Nghị quyết thông qua phương án phát hành chi tiết chào bán thêm cổ phiếu cho cổn đông hiện hữu. HĐQT hãng bay này khẳng định lượng vốn huy động được thông qua hình thức này là 8.000 tỉ đồng  và phần lớn sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ.

Bản cáo bạch đính kèm cho kế hoạch phát hành này cũng nêu rõ, Vietnam Airlines đang có tổng nợ phải trả là gần 55.000 tỉ đồng tính đến 30-6. Tuy nhiên, doanh nghiệp có phát sinh các khoản công nợ quá hạn khoảng 13.337,7 tỉ đồng  tính đến khi kết thúc quí 2 năm nay.

Chiếm phần lớn cơ cấu nợ quá hạn của Vietnam Airlines là nợ tiền thuê máy bay từ 12 đối tác với 7.099 tỉ đồng . Nợ quá hạn nhiên liệu, sửa chữa bảo dưỡng động cơ, phụ tùng vật tư của Vietnam Airlines cũng ở mức 4.021 tỉ đồng  từ nhiều đối tác trong và ngoài nước. Khoản còn lại là 1.847 tỉ đồng nợ dịch vụ chuyến bay, dịch vụ hàng không của các đối tác trong nước.

Nguyên nhân phát sinh nợ quá hạn do tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, VNA phải dừng toàn bộ đường bay quốc tế thường lệ, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân, một số chuyến bay chở hàng trong khi vẫn phải thanh toán các khoản chi phí cố định (thuê tàu bay, phí đỗ tàu bay, bảo dưỡng sửa chữa…). Trên đường bay nội địa, doanh thu cũng bị sụt giảm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng ghi nhận 2.053 tỉ đồng nợ đến hạn với các khoản vay tại các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng này bao gồm Vietcombank (738 tỉ đồng  lãi suất 4.2% và 390 tỉ đồng  lãi suất 3,5%), BIDV (236 tỉ đồng  lãi suất 4,6%), SeABank (400 tỉ đồng  lãi suất 4,8%) cùng nhiều tổ chức tín dụng quốc tế nhưJP Morgan, Citibank và ING.

Về kế hoạch sử dụng 8.000 tỉ đồng vốn huy động được thông qua chào bán thêm cổ phiếu cho cổn đông hiện hữu, 2.050 tỉ đồng sẽ được trả nợ cho các tổ chức tín dụng nêu trên trong năm 2021. Hãng hàng không quốc gia cũng sẽ dùng 3.950 tỉ đồng  thanh toán nợ quá hạn cho các đối tác, nhà cung cấp theo tiến độ thanh toán.

2.000 tỉ đồng  còn lại sẽ được doanh nghiệp sử dụng để thanh toán vốn lưu động nhằm đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Khoản này sẽ được dùng cho các hoạt động như trả lương, thuế, hoàn vé, các khoản thanh toán không vay được ngân hàng (thu hộ, trả hộ, bù trừ công nợ) và các khoản trả nợ vay đến hạn trong năm 2020. 

HĐQT của doanh nghiệp cũng thông tin trong quí 1-2022, các khoản nợ vay đến hạn tại các ngân hàng của Vietnam Airlines là trên 2.500 tỉ đồng.

Theo phương án chi tiết, Vietnam Airlines sẽ huy động vốn thông qua chào bán 800 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng. Tỷ lệ thực hiện quyền mua là 56,4%, 1 cổ phiếu hưởng 1 quyền mua, tương đương cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu hiện hữu sẽ được mua 56,4 cổ phiếu phát hành thêm.

Để đảm bảo việc phát hành cổ phiếu này đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vietnam Airlines, cổ động hiện hữu sẽ chỉ được chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu của mình cho các tổ chức, cá nhân trong nước.

Phương án phát hành cổ phiếu này đã được doanh nghiệp xin ý kiến cổ đông tại ĐHCĐ thường niên 2021 vừa được tổ chức tuần trước. Tại đại hội này HĐQT Vietnam Airlines cũng đã kêu gọi các cổ đông khác cổ đông nhà nước cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo sự công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các cổ đông và với các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không.

Các cổ đông khác nếu cho Vietnam Airlines vay sẽ được áp dụng phương án xử lý chênh lệch lãi vay (giữa mức lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng thấp nhất mà Vietnam Airlines đang huy động trên thị trường và mức lãi suất vay vốn của các tổ chức tín dụng theo giải pháp vay tái cấp vốn) theo đúng phương án xử lý chênh lệch lãi vay của cổ đông nhà nước (sau khi được Chính phủ phê duyệt).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới