Thứ hai, 5/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vinamilk vẫn giữ quan điểm giá mua sữa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vinamilk vẫn giữ quan điểm giá mua sữa

Người chăn nuôi bò sữa đang khó khăn nhưng Vinamilk vẫn bảo vệ quan điểm của mình-Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Chuyện bất đồng về giá sữa giữa nông dân nuôi bò trên địa bàn TPHCM và Vinamilk lại một lần nữa được mang ra mổ xẻ tại cuộc họp do Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín chủ trì chiều ngày 15-9.  

Tuy nhiên, dường như giữa Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM cùng đại diện một số quận huyện với Vinamilk chưa có tiếng nói chung khi các cơ quan cố gắng trình bày những thiệt thòi của nông dân nuôi bò sữa, còn Vinamilk thì vẫn quyết bảo vệ quan điểm về giá cũng như chính sách thưởng phạt khi mua sữa của mình. 

Phạt nhiều mà thưởng thì chẳng là bao  

Ông Nguyễn Phước Trung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đã đọc một báo cáo dài 8 trang giấy A4 phân tích chi tiết những điểm bất hợp lý trong giá thu mua sữa, cách tính toán chất lượng sữa và cách thu mua sữa hiện nay của Vinamilk. Điều đáng chú ý là báo cáo này lại lấy Dutch Lady, một công ty liên doanh có nhà máy chế biến sữa ở Bình Dương, có đầu tư cho nông dân và thu mua sữa ở TPHCM, để so sánh.  

Về lý thuyết, giá sữa tiêu chuẩn của Vinamilk mua của nông dân (kể cả các khoản hỗ trợ) hiện là 7.450 đồng/kg, còn Dutch Lady, giá mua sữa (kể cả hỗ trợ) là 7.500 đồng/kg, chênh nhau chỉ 50 đồng/kg nhưng thực tế thì khác xa.  

Ông Trung cho biết qua khảo sát 50 hộ nuôi bò thì giá sữa mà họ thực nhận chỉ được 7.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với Dutch Lady. Sở dĩ thấp hơn là do từ đầu năm nay, Vinamilk thay đổi các mức trừ (thực chất là phạt) dựa theo bảng tiêu chuẩn chất béo, chất khô và Methylen theo chiều hướng tăng mạnh, từ 2-14 lần, đặc biệt là chất khô tăng tiền phạt từ 50 lên 1.200 đồng/kg tùy theo loại.

Trong khi đó, khoản thưởng hay hỗ trợ nông dân của Vinamilk thì chẳng là bao. Chẳng hạn khoản hỗ trợ tiền chuồng trại theo hợp đồng là 200 đồng/kg sữa nhưng 50 hộ khảo sát nói trên chỉ có 1 hộ được hỗ trợ chuồng trại 166 đồng/kg. Đối với Dutch Lady, chính sách tiền thưởng chuồng trại được duy trì thường xuyên.

Bản phân tích của ngành nông nghiệp cho thấy, chỉ trong 5 tuần từ 3-7 tới 6-8 năm nay, giá mua sữa mà Vinamilk trả cho nông dân biến động rất mạnh, từ 5.650 -7.130 đồng/kg, trong khi của Dutch Lady thì ổn định 7.430- 7.560 đồng/kg.  

Ông  Trung cho biết ở nhiều nước tiên tiến, các công ty mua sữa không tính theo kg mà tính theo hàm lượng chất béo và protein, còn Vinamilk thì không hề thưởng khi hàm lượng béo tăng, nên không khuyến khích nông dân tăng chất lượng sữa. Ngược lại, Dutch Lady phân minh chuyện này, cứ 0,1% chất béo tăng hoặc giảm thì cộng thêm hoặc trừ đi 60 đồng/kg sữa.  

Đại diện Hội nông dân TPHCM kể hộ ông Nguyễn Trung Kiên nuôi 7 con bò và đăng ký bán sữa cho Vinamilk. Lúc đầu bán được bình quân 7.000 đồng/kg, sau đó giảm xuống còn 5.000-5.500 đồng/kg. Tức mình, ông chủ trại bò bán cho người vắt sữa thuê để họ giao cho Vinamilk thì được 6.000 đồng/kg. Đại diện Hội nông dân còn nói: "Nếu chính sách phạt về chất lượng sữa để khuyến khích nông dân nuôi bò cải thiện chất lượng thì nên xem lại, vì cũng như cha mẹ dạy con, không ai phạt nặng để con mình được tốt hơn".    

“Cung cách mua sữa của Vinamilk cũng có vấn đề, nông dân mà im lặng thì bị o ép, giảm giá bán, cự cãi thì được tăng lên”, đại diện này nói.

Ngoài ra, ông Huỳnh Hữu Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho rằng đội ngũ trung gian vắt sữa thuê hiện nay rất nguy hiểm vì có thể vắt không đúng cách, vắt không hết sữa, gây mất vệ sinh, giảm chất lượng sữa.

Giải trình còn chung chung  

Ông Đào Ngọc Long, Trưởng ban nguyên liệu sữa của Vinamilk đã có thông tin phản hồi lại báo cáo của ngành nông nghiệp. Ông Long nói giá sữa của Vinamilk mua tương đương giá mua sữa ở Liên minh châu Âu (EU), cao hơn các nước lân cận nhưng cách tính chỉ tiêu chất lượng của công ty lại uyển chuyển hơn.  

Ông Long cho biết giá mua sữa của công ty còn phụ thuộc vào vùng, chẳng hạn TPHCM thì cao hơn Bình Định hay Nghệ An.

Thế nhưng, đại diện Hội nông dân bức xúc cho rằng người nông dân nuôi bò sữa so sánh cụ thể hai trại bò cạnh nhau mà trại này bán cho Dutch Lady thì được giá cao hơn trại bên kia bán cho Vinamilk.

Ông Lưu Văn Tân, phụ trách chương trình sữa nguyên liệu của Dutch Lady, cho biết "người chăn nuôi bò sữa hiện nay như con bò sữa", vì phải gánh trên vai quá nhiều chi phí trung gian. Do vậy giá sữa cao chưa chắc đã an toàn, mà là mối quan hệ công khai, minh bạch, bền vững giữa hai bên.

Một thông tin khác ông Long đưa ra là giá sữa nguyên liệu nhập khẩu trên thị trường thế giới loại bột nguyên kem từ 5.200 đô la Mỹ/tấn vào năm ngoái nay giảm xuống 4.200 đô la Mỹ/tấn.

Trong phần trình bày sau đó, bà Nguyễn Thị Như Hằng, Phó tổng giám đốc Vinamilk, còn cho rằng: “Việt Nam đã hội nhập thì giá sữa cũng phải theo giá thế giới”.  

Mặc dù ông Long cho rằng ngành nông nghiệp khảo sát ở 50 hộ nuôi bò, không đủ sức thuyết phục trong khi Vinamilk mua sữa cho 22.666 hộ nuôi 36.147 con bò, chiếm hơn một nửa trong tổng số 67.000 con của toàn thành phố. Và theo ông thì trong 6 tháng đầu năm nay, Vinamilk thu mua 55.600 tấn sữa tươi, với giá bình quân 7.071 đồng/kg, tương ứng với giá mà ngành nông nghiệp đã khảo sát.  

Đại diện chính quyền thành phố, Phó chủ tịch Nguyễn Trung Tín nhiều lần cắt ngang lời ông Long, khi nói: “Công ty nói nhiều chính sách khuyến khích nông dân nuôi bò, cải thiện chất lượng sữa nhưng lại không giải thích thuyết phục là tại sao thưởng ít mà phạt nhiều, tại sao lại xảy ra tình trạng nông dân kêu ca?”.  

Bà Tô Từ Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi - huyện nuôi nhiều bò sữa nhất thành phố hiện nay, bức xúc: “Nông dân kêu ca không chỉ đơn thuần vì giá thấp hay cao, mà họ kêu ca vì cách tính, cách mua của Vinamilk". Bà Nguyên đề nghị hãng sữa này nên xem lại cách thu mua của mình.  

Về phía bà Hằng, Phó tổng giám đốc Vinamilk, có ý muốn nông dân thông cảm, vì giá sữa đầu ra hiện nay của công ty không được tăng theo quy định của Chính phủ và “người tiêu dùng sữa là số 1, còn Vinamilk và nông dân là số 2”, bà Hằng nói.  

Ông Tín cho rằng khó khăn hiện nay là khó khăn chung chứ không riêng gì Vinamilk, bởi chi phí đầu vào của nông dân nuôi bò cũng tăng nhiều từ cám, hèm bia, cỏ. “Do vậy hai bên là công ty thu mua và nhà nông nên ngồi lại với nhau để bàn cách vượt qua khó khăn, không nên bắt nông dân chịu khổ một mình”, ông nói.  

Ông cũng đề nghị Vinamilk cùng với các ban ngành liên quan nên tìm cách hỗ trợ nông dân, giúp nông dân cắt giảm các khâu trung gian đang làm giảm thu nhập của họ như hèm bia cũng phải mua qua nhiều trung gian đội giá lên gấp đôi, đội ngũ vắt sữa thuê (năm ngoái 60% số hộ nuôi bò thuê vắt sữa, nay giảm xuống nhưng vẫn còn tới 30%)..., đồng thời xem lại đội ngũ kiểm tra chất lượng sữa, đội ngũ trạm trung chuyển sữa giữa nông dân và nhà máy. 

Tuy nhiên, theo ông Tính, điều quan trọng nhất là hai công ty mua sữa lớn nhất hiện nay trên địa bàn là Dutch Lady và Vinamilk phải tính toán điều chỉnh giá cả để hài hòa lợi ích, gắn kết nông dân với nhà máy.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới