(KTSG Online) - Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong năm 2022, tổng cầu dệt may giảm 6% so với năm 2021; thị trường bông, sợi có nhiều biến động, đơn hàng sụt giảm. Vinatex đã đề ra nhiều giải pháp để ổn định thị trường ngành dệt may trong năm 2023.
- Ngành dệt may đặt chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 5-6%/năm
- Ngành dệt may Ấn Độ đối mặt khủng hoảng
TTXVN đưa tin, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 44,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,4% so với năm 2021. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, các nước châu Âu đều tăng, riêng Trung Quốc giảm so với năm 2021.
Trong hội nghị triển khai công tác năm 2023 do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức chiều 26-12, đại diện Vinatex cho biết, tổng cầu dệt may trong năm 2022 giảm 6% so với năm 2021; thị trường bông, sợi có nhiều biến động, cơ cấu sản phẩm may thay đổi, đơn hàng sụt giảm, giá gia công giảm...
Riêng ngành sợi, dự kiến còn gặp nhiều khó khăn, giá sợi có thể bán dưới giá thành đến hết tháng 6-2023. Do vậy, các doanh nghiệp ngành sợi cần tối ưu về cơ cấu mặt hàng để giảm thiểu chi phí; bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; kết nối trong chuỗi sản xuất của ngành dệt và ngành may nhằm phát triển tiêu thụ sợi; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để đảm bảo nguồn vốn; bố trí sản xuất linh hoạt…
Còn đối với doanh nghiệp may, các cơ sở cần linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường; tập trung vào các ngành mang lại giá trị cao; giữ tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 4-6% trong bối cảnh thế giới giảm khoảng 10% nhu cầu tiêu dùng.
Tập trung vào các giải pháp như hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói, phát triển sản xuất xanh, thực hiện công tác chuyển đổi số, đặc biệt là đảm bảo việc làm cho lao động; thực hiện công tác đào tạo nhân lực; tạo năng lực cạnh tranh từ việc tăng năng suất, tăng hiệu quả quản trị...
Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), năm 2022, Vinatex ước đạt mức doanh thu hợp nhất là 19.535 tỉ đồng; tăng 15% so với cùng kỳ; đạt 108% kế hoạch. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỉ đồng, vượt 14,6% kế hoạch.
Cũng theo dự báo, khó khăn của các ngành hàng xuất khẩu, trong đó có dệt may sẽ kéo dài tới hết quí 1, thậm chí hết quí 2-2023.
Ngành dệt may cũng đưa ra hai kịch bản về tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023. Kịch bản thứ nhất là kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm ngành dệt may có thể đạt 47-48 tỉ đô la Mỹ với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản thứ hai dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45-46 tỉ đô la Mỹ.