(KTSG) – Trước thông tin ngành may mặc và da giày thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải tạm thời thu hẹp hoạt động, có doanh nghiệp đành phải cho hàng ngàn công nhân nghỉ việc, các phân tích thường gán nguyên nhân là do khách hàng EU hay Mỹ giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm. Số liệu khách quan cũng cho thấy điều đó: theo Tổng cục Thống kê, năm tháng đầu năm nay xuất khẩu dệt may giảm 17,8%, xuất khẩu giày dép giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên các báo cáo gần đây cho thấy thị trường dệt may, da giày toàn cầu vẫn tăng trưởng, dù chậm hơn các năm trước. Câu hỏi đặt ra là liệu có hay không xu hướng dịch chuyển một phần nào đó dòng chảy đầu tư nước ngoài (FDI) trong hai lĩnh vực này từ Việt Nam sang các nước khác vì nhiều lý do, trong đó lương cho công nhân là một yếu tố. Các ngành thâm dụng lao động như may mặc, da giày thường dịch chuyển nhanh đến thị trường mới một khi thị trường cũ có đánh mất các lợi thế như thiếu hụt lao động, lương công nhân tăng nhanh.
Hiện nay mức lương bình quân của công nhân may mặc ở Bangladesh chỉ là 120 đô la Mỹ/tháng. Trong thông báo gửi cho sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan, Pou Chen giải thích một trong những lý do phải cho công nhân ở nhà máy của họ tại Việt Nam nghỉ việc là để thích ứng với “chiến lược đa dạng hóa”.
Đây là một vấn đề lớn, cần tìm hiểu và có giải pháp vì dệt may, da giày hiện đang nằm trong nhóm năm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sử dụng hàng triệu lao động khắp cả nước. Việc dịch chuyển từ các dự án thâm dụng lao động sang các dự án cần tay nghề công nhân cao hơn, ứng dụng công nghệ nhiều hơn… là một xu hướng đúng đắn, trước sau gì cũng sẽ diễn ra. Vấn đề là chúng ta phải chủ động trong quá trình này để giảm thiểu các tác động tiêu cực, tận dụng các cơ hội mới mở ra.
Sự chủ động này bao gồm các chương trình đào tạo tay nghề cho công nhân để có thể đáp ứng nhu cầu lao động bậc cao ở các dự án sử dụng nhiều công nghệ. Đó còn là sự rà soát các hiệp định thương mại tự do đã ký kết đối chiếu với xu hướng tổ chức lại các chuỗi cung ứng để bao gồm các nước “thân thiện”, gần thị trường tiêu thụ, có năng lực duy trì sản xuất… để chủ động tham gia.
Nếu theo dõi tình hình thời sự, chúng ta thấy Ấn Độ nổi lên như một địa chỉ thu hút các dự án lắp ráp hàng điện tử tiêu dùng cao cấp; Thái Lan với các dự án hàng chế tạo; Bangladesh, Campuchia với hàng dệt may… Xác định lại các lợi thế cạnh tranh của nước ta trong giai đoạn mới, tức không còn chỉ dựa vào giá nhân công rẻ, nguồn lao động dồi dào mà còn là các yếu tố mới như tay nghề công nhân, cơ sở hạ tầng, thân thiện với môi trường, mức độ làm quen với các dự án công nghệ sẽ giúp chúng ta thu hút đúng loại hình doanh nghiệp FDI cho giai đoạn mới.
Tuy nhiên, đứng trước các thay đổi lớn trong xu hướng đầu tư nước ngoài trên thế giới, thiết nghĩ chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước với gần 100 triệu dân là một thị trường lớn không thể bỏ qua. Quan tâm đến thị trường trong nước có nghĩa quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu thụ trong nước, nâng sức mua của người dân nhờ đó giảm bớt mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào thị trường nước ngoài.
Độ mở lớn của nền kinh tế khi tỷ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP dễ dẫn tới sự tổn thương nếu thế giới bên ngoài có biến động cũng như biến nền kinh tế trở nên quá nhạy cảm với các xu hướng mới từ bên ngoài.
Xét cả hai phía cung và cầu, thì lực lượng lao động luôn là động lực căn bản của mọi tiến trình phát triển. Điều này chưa thể hiện rõ trong tư duy hoạch định chính sách. Vì vậy không thể quay lại, hoặc cứ mãi bám theo đường lối cũ. Nghĩa là, trước đây có công ăn việc làm là tốt, cho dù thu nhập rẻ mạt, phúc lợi có cũng như không. Nay thì phải khác đi, cần tạo ra công ăn việc làm, thu nhập, phúc lợi tốt hơn cho người lao động. Cần thiết sớm điều chỉnh 3 tư duy lớn: 1. tiền lương tối thiểu, 2. điều kiện làm việc tối thiểu, 3. thu nhập bình quân tối thiểu. Thực tế hiện nay là, tiền lương tối thiểu bao nhiêu khó ai kiểm tra được. Điều kiện làm việc thế nào, thu nhập thực tế có đủ sống hay không… cũng makeno. Thay đổi trước hết phải đến từ nhà nước và chủ doanh nghiệp.
Bài viết quá đúng, quá chính xác, không có gì để nói thêm. Vấn đề là phải có giải pháp để tự phát triển chính mình chứ đừng quá lệ thuộc bên ngoài.
Nhà nước và doanh nghiệp trong nước phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất trong nước và hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài lập trung tâm thương mại tầm cỡ để đưa hàng VN ra thế giới.