Vĩnh Hoàn lấn sâu vào thực phẩm nhân tạo
Hồ Nguyên Thảo
(KTSG) - Vĩnh Hoàn, công ty chuyên về chế biến và xuất khẩu cá tra, basa, đã cùng với các tập đoàn và quỹ đầu tư nước ngoài tham gia rót vốn trong series B trị giá gần 18 triệu đô la Mỹ của startup Shiok Meats ở Singapore. Các thương vụ đầu tư và sáp nhập tại Singapore và Hồng Kông trước đó của Công ty Vĩnh Hoàn là những chỉ dấu cho thấy nhà chế biến hải sản hàng đầu này của Việt Nam đang tiến sâu vào địa hạt mới.
CEO Sandhya Sriram với sản phẩm chế biến từ thịt tôm hùm nhân tạo. Ảnh: Straits Times |
Thương vụ đầu tư nổi bật
Bà Trương Thị Lệ Khanh, người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị xác nhận tin trên. Còn CEO Nguyễn Ngô Vi Tâm thì nói rằng Vĩnh Hoàn không phải là “người dẫn dắt” mà chỉ là cùng tham gia bỏ vốn như các nhà đầu tư khác.
Shiok Meats là công ty công nghệ thực phẩm non trẻ của Singapore tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và chế tạo thịt tôm, tôm hùm và cua nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Hôm 21-7, Shiok Meats phát đi thông cáo rằng vòng gọi vốn series B đã nâng tổng số vốn đầu tư vào startup này lên đến 30 triệu đô la Mỹ. Nguồn vốn mới sẽ được Shiok đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và xây dựng cơ sở sản xuất thịt tôm, có thể đưa ra thị trường vào năm 2022.
Trước đó, tháng 11-2020 Shiok Meats đã thành công trong vòng gọi vốn series A trị giá 12,6 triệu đô la Mỹ. Với dòng vốn mới, Shiok Meats được xem là startup có giá trị lớn nhất lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các loại thịt nhân tạo từ tế bào trong phòng thí nghiệm.
Giá trị vốn góp của Vĩnh Hoàn trong gói series B đã không được Shiok lẫn Vĩnh Hoàn tiết lộ. Tuy nhiên, các trang tin công nghệ đã xếp vị trí của Vĩnh Hoàn lên trước hai tập đoàn lớn của Hàn Quốc: Woowa Brothers (tập đoàn mẹ của ứng dụng giao đồ ăn Baemin) và tập đoàn thực phẩm CJ Cheil-Jedang.
Tham gia góp vốn còn có tập đoàn đầu tư Irongrey của Hàn Quốc, quỹ Alexander Payne Living Trurst của Mỹ, hãng thực phẩm Toyo Seikan của Nhật Bản, tập đoàn thực phẩm Beyond Impact Vegan Partners ở châu Âu, và các quỹ đầu tư mạo hiểm Twynam Investments, Big Idea Ventures, Boom Capital và Mindshift Capital. Nhà đầu tư cá nhân duy nhất là CEO Henry Soesanto của hãng Monde Nissin.
Các món ăn chế biến từ thịt tôm hùm nhân tạo của Shiok Meats được giới thiệu với nhà đầu tư trong đợt nếm thử nhân vòng gọi vốn series A. Ảnh: Big Idea Ventures |
“Xông trận” từ hơn 5 năm trước
Năm 2015, Vĩnh Hoàn thành lập Octogone Holdings ở Singapore với tỷ lệ sở hữu 100%, vốn đầu tư là 700.000 đô la. Công ty kinh doanh chủ yếu các mặt hàng thủy hải sản và thực phẩm chức năng. Sau khi chuyển nhượng 75% vốn vào năm 2018, Vĩnh Hoàn chính thức rút khỏi công ty con này năm 2019 sau khi hoàn tất chuyển nhượng 25% vốn còn lại.
Cuối năm 2020, Vĩnh Hoàn thành lập Công ty Vinh Technology tại Singapore với vốn đăng ký ban đầu chỉ 150.000 đô la Mỹ. Một tháng sau, Vĩnh Hoàn đã công bố khoản đầu tư chiến lược vào startup Avant Meats ở Hồng Kông, trở thành cổ đông của Avant sau khi đồng ý sáp nhập Vinh Technology vào Avant. Theo thỏa thuận, Vĩnh Hoàn sẽ thành lập quan hệ đối tác chiến lược với Avant để thúc đẩy quá trình thương mại hóa các sản phẩm đạm từ cá nuôi (không phải từ cá đánh bắt). Avant sẽ có được bệ phóng khi sử dụng mạng lưới bán sản phẩm toàn cầu và công nghệ chế biến của Vĩnh Hoàn.
Vĩnh Hoàn sẽ dùng các mũi nhọn của Vinh Technology ở mảng nuôi trồng thủy sản, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe để nâng cánh cho công ty khởi nghiệp Hồng Kông. “Vĩnh Hoàn là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản và các loại đạm thay thế. Sự hiểu biết thấu đáo các yêu cầu khách hàng của Vĩnh Hoàn sẽ là kim chỉ nam đúng đắn và giá trị cho quá trình phát triển và thương mại hóa sản phẩm của chúng tôi”, nhà đồng sáng lập và CEO của Avant Meats, Carrie Chan phát biểu.
Trước đó, Avant đã gọi được 3,1 triệu đô la trong vòng gọi vốn hạt giống để thúc đẩy R&D các sản phẩm đạm cá.
Tiến vào trung tâm công nghệ thực phẩm toàn cầu
“Đầu tư vào startup công nghệ thực phẩm là bước đi mới, đón bắt xu hướng của thế giới. Singapore đang vươn lên để trở thành trung tâm công nghệ thực phẩm của châu Á và toàn cầu. Nguồn vốn lúc này đang dồi dào, lãi suất đang thấp ở mọi thị trường. Vì thế, đầu tư vào ngành công nghệ mới có triển vọng là bước đi mạo hiểm, nhưng không quá rủi ro”, một nhà phân tích chiến lược tại TPHCM nói về hướng đi của Vĩnh Hoàn.
Singapore hiện chỉ có thể tự cung cấp 10% lượng thực phẩm tiêu dùng trên hòn đảo, còn lại hầu hết nhập từ 170 nước và lãnh thổ trên thế giới, tăng từ con số 30 nước trong năm 2004. Riêng các mặt hàng thủy hải sản, khoảng 20% có nguồn gốc từ Việt Nam, thấp hơn tỷ lệ nhập khẩu từ Indonesia một chút, nhưng cao hơn Malaysia - theo Singapore Food Agency.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và lệnh cấm xuất khẩu thủy hải sản của Malaysia đã khiến Singapore chật vật. Chính vì thế, đa dạng hóa nguồn cung và tìm kiếm các nguồn cung cấp thực phẩm và đạm thay thế mới là ưu tiên của quốc đảo. Chính phủ Singapore đặt mục tiêu 30-30, tức là hòn đảo sẽ tự cung cấp 30% thực phẩm vào năm 2030.
Công nghệ thực phẩm đóng vai trò then chốt trong kế hoạch tự chủ 30-30 đó. “Các loại đạm từ thịt vật hay nuôi cấy từ tế bào đòi hỏi ít không gian nhà xưởng và tài nguyên để sản xuất so với phương thức truyền thống”, Bernice Tay, Giám đốc về sản xuất của chương trình Enterprise Singapore, phát biểu.
Hồi tháng 12 cuối năm ngoái, Singapore là nước đầu tiên trên thế giới công nhận và cho phép sử dụng thương mại thịt gà chế tạo từ tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của startup Eat Just có trụ sở tại Mỹ. Trước đó, Eat Just cũng thành công trong chế tạo trứng gà từ đạm đậu xanh.
Chính phủ Singapore cũng dành ngân khoản 144 triệu đô la Singapore, khoảng 107 triệu đô la Mỹ, cho các chương trình R&D về thực phẩm đến năm 2025. Enterprise Singapore cũng hợp tác với nhiều nhà đầu tư tăng tốc, chẳng hạn quỹ Big Idea Ventures (BIV) vốn dành 50 triệu đô la Mỹ cho phát triển các loại đạm thay thế. BIV cũng đang dự định vào Việt Nam với kế hoạch quảng bá các loại thịt nhân tạo và đạm thay thế đến người tiêu dùng Việt vào cuối năm 2021.
Những tín hiệu lạc quan
Avant Meats và Shiok Meats đang gửi đi các thông điệp tốt đến các nhà đầu tư.
Các sản phẩm đạm cá của Avant Meats sẽ được đưa ra thị trường vào cuối năm nay. CEO Nguyễn Ngô Vi Tâm nói rằng Avant là cơ hội tốt để Vĩnh Hoàn đa dạng hóa danh mục sản phẩm trong tương lai, đáp ứng nhu cầu và xu hướng tiêu dùng mới.
Trong khi đó, Shiok Meats đang cố gắng hạ giá thành các sản phẩm thịt tôm, thịt tôm hùm nhân tạo càng thấp càng tốt. Hiện giá thành một ký tôm hùm nhân tạo là 5.000 đô la, mục tiêu của Shiok là hạ giá thành chỉ còn 1%, tức 50 đô la vào năm tới. Tham vọng hơn, startup này đề ra mục tiêu chỉ còn 5 đô la trong vòng thập niên nữa.
“Giai đoạn 12-18 tháng tới là rất quan trọng với chúng tôi”, Tiến sĩ Sandhya Sriram, CEO kiêm nhà sáng lập Shiok, phát biểu nhân vòng gọi vốn series B. Như vậy, trong năm 2022 và trễ nhất là đầu 2023, sản phẩm tôm thịt nhân tạo của Shiok sẽ được giới thiệu rộng rãi.
Bà Sriram cũng nói rằng thịt hải sản nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ là dòng chính vào năm 2030. “Khi vào siêu thị, bạn sẽ thấy thịt nuôi cấy và thịt hải sản nuôi cấy bên cạnh thịt và hải sản chế biến từ đạm thực vật. Nhu cầu với loại sản phẩm mới sẽ ngày càng gia tăng.
Shiok vừa nhận được khoản tài trợ từ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Enterprise Singapore. Khoản tài trợ này là giấy chứng nhận đầy hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài bởi nó chứng minh giá trị startup là “sẵn sàng bước vào quá trình tăng tốc để phát triển và thương mại hóa”.