(KTSG) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam kết thúc tuần cuối tháng 3-2023 và cũng là kết thúc quí 1-2023 ở mức 1.064 điểm, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 5,71% so với quí 4-2022.
Phiên ngày 31-3, dòng tiền của nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng quay lại thị trường đã giúp VN-Index tăng 5 điểm, qua đó nối dài mạch đi lên chín phiên liên tiếp.
Lần gần nhất VN-Index có chuỗi chín phiên tăng liên tiếp là vào cuối tháng 7-2021. Khi đó, lực mua đồng thuận của nhà đầu tư trong và ngoài cũng là yếu tố chính giúp chỉ số tích lũy 70 điểm trong chưa đầy hai tuần.
Về mức độ ảnh hưởng, nhóm cổ phiếu chứng khoán có đà tăng rất tốt và là động lực hỗ trợ cho thanh khoản của thị trường, điển hình là các mã BSI (+27,20%), FTS (18,01%), AGR (+14,51%), CTS (+12,42%), BVS (+12,35%), MBS (+10.49%)... Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến tích cực như PGB (+15,63%), TCB (+7,18%), HDB (+6,65%), OCB (+5,06%), STB (4,59%)...
Tuy vậy, thanh khoản chưa có nhiều cải thiện vẫn là điểm cần lưu ý đối với thị trường. Trong tháng 3, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE có phiên rơi xuống chỉ còn khoảng 8.000 tỉ đồng/phiên, thấp nhất kể từ tháng 11-2020. Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp thanh khoản sụt giảm so với tháng trước đó.
Bên cạnh đó, sự trồi sụt của thị trường cũng làm “hạ nhiệt” đáng kể làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào kênh đầu tư chứng khoán. Sau thời kỳ bùng nổ, lượng tài khoản mở mới liên tục giảm mạnh kể từ tháng 7-2022 rồi rơi xuống dưới mức 100.000 tài khoản/tháng trong sáu tháng gần nhất.
Trong bối cảnh thị trường khởi sắc, giao dịch khối ngoại là một điểm sáng khi tiếp tục giải ngân mua cổ phiếu trên TTCK Việt Nam. Riêng trong tháng 3, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 3.030 tỉ đồng, hầu hết đều là mua ròng trên kênh khớp lệnh. Tính chung trong cả quí 1-2023, khối ngoại mua ròng 6.962 tỉ đồng.
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, trong quí đầu năm nay, khối ngoại mua ròng mạnh nhất hai cổ phiếu ngành thép là Hòa Phát (HPG) và Hoa Sen (HSG) với giá trị lần lượt đạt 2.191 tỉ đồng và 882 tỉ đồng. Tiếp đến là các cổ phiếu POW và SSI với giá trị lần lượt đạt 837 tỉ và 793 tỉ đồng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng Eximbank ghi nhận mức bán ròng mạnh nhất của khối ngoại trong quí 1 với giá trị đột biến 3.349 tỉ đồng, chủ yếu trên kênh thỏa thuận. Đây là giao dịch bán ra 132 triệu cổ phiếu EIB tương đương gần 11% tổng số lượng cổ phần của ngân hàng này, đến từ Ngân hàng Sumitomo (SMBC) sau quyết định chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank.
Có nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại tiếp tục giải ngân mạnh trên TTCK Việt Nam thời gian gần đây. Đầu tiên là dòng vốn thông qua các quỹ ETF. Nổi bật là việc MarketVector Vietnam Local Index (VNM ETF) thực hiện cơ cấu danh mục sang chỉ số cơ sở mới là MarketVector Vietnam Local Index với danh mục hiện gồm toàn bộ cổ phiếu Việt Nam, tương ứng khoảng 2.300 tỉ đồng sẽ chảy vào thị trường.
Song song với đó, Fubon FTSE Vietnam ETF cũng đã bắt đầu đợt huy động bổ sung lần thứ năm với số tiền được phê duyệt là 5 tỉ TWD (tương đương 60 triệu đô la Mỹ, khoảng 4.000 tỉ đồng) để mua cổ phiếu Việt Nam. Đây chính là động lực chính giúp khối ngoại mua ròng hàng ngàn tỉ đồng trong những tháng đầu năm.
Về mặt tin tức, thông tin mang tính hỗ trợ khá mạnh cho VN-Index trong tuần qua chính là động thái tiếp tục cắt giảm một số loại lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chỉ trong một tháng trở lại đây, NHNN đã có hai lần ra các quyết định liên quan đến lãi suất điều hành, cho thấy định hướng dần nới lỏng tiền tệ trở lại.
Đặt trong bối cảnh chu kỳ thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang dần kết thúc, quyết định của NHNN được coi là động thái tương đối sớm, mang tính đón đầu nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đang ở mức khá thấp trong quí 1 vừa qua.
Về xu hướng thị trường, VN-Index đang có nhiều cơ hội hướng đến vùng cản mạnh tại 1.080-1.100 điểm. Dòng tiền dù còn dè dặt nhưng đang có dấu hiệu dần khởi sắc trở lại trong những phiên gần đây.
Trong ngắn hạn, các hoạt động “lướt sóng” kiếm lời đòi hỏi các nhà đầu tư cần hết sức linh hoạt. Đối với các hoạt động đầu tư trung và dài hạn, cơ hội tích lũy lại cổ phiếu trong các nhịp điều chỉnh vẫn có thể được xem xét.