Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

VN-Index lại quay về vùng đi ngang tích lũy

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch từ ngày 10 đến 14-6-2024 với nhiều cảm xúc. Sau chuỗi phiên nỗ lực liên tục, chỉ số chính đã chinh phục mốc 1.300 điểm sau hai năm với sự hỗ trợ từ nhóm vốn hóa lớn.

Mặc dù vậy, động lực của VN-Index chưa thực sự tốt và tình trạng giằng co vẫn còn hiện hữu trong phần lớn các phiên giao dịch. Kịch bản cũ lặp lại khi chỉ số chỉ đứng trên ngưỡng 1.300 điểm trong hai phiên trước khi quay đầu giảm sâu trong phiên thứ Sáu. Kết tuần, VN-Index giảm tổng cộng 7,6 điểm (0,6%) với thanh khoản bình quân đạt 28.000 tỉ đồng/phiên, tăng 8% so với tuần trước đó.

Trong tuần qua, khối ngoại vẫn duy trì xu hướng bán ròng mạnh với tổng giá trị bán ròng đạt 5.720 tỉ đồng trên toàn thị trường. Ảnh minh họa: LÊ VŨ

Nhiều nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh hơn so với thị trường chung như nhóm dầu khí với BSR (giảm 3,8%), PVC (giảm 3,7%), PLX (giảm 2,41%), PVD (giảm 1,58%); nhóm bảo hiểm với BVH (giảm 4,09%), BMI (giảm 3,43%), MIG (giảm 2,5%). Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giao dịch không mấy tích cực với HDG (giảm 4,84%), NVL (giảm 4,07%)…

Ở chiều ngược lại, nhóm chứng khoán đón nhận thông tin tích cực từ cuộc họp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với một số công ty chứng khoán về vấn đề nâng hạng thị trường. Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu xi măng với thông tin tích cực từ hội nghị tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tiêu thụ xi măng theo chỉ đạo của Chính phủ, điển hình là các mã như HT1 (tăng 7,14%), BCC (tăng 10,98%), BTS (tăng 11,11%), HOM (tăng 9,76%)...

Về động thái của khối ngoại, khối này vẫn duy trì xu hướng bán ròng mạnh với tổng giá trị bán ròng đạt 5.720 tỉ đồng trên toàn thị trường.

Một thông tin đáng chú ý trong tuần qua là báo cáo khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu mới được công bố bởi MSCI. Theo báo cáo này, MSCI đánh giá tiêu chí “khả năng chuyển nhượng” (transferability) của Việt Nam đã được thay đổi từ “cần cải thiện” sang “không có vấn đề lớn” nhờ sự gia tăng giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng hiện vật có thể được thực hiện mà không cần có sự phê duyệt trước của cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục nỗ lực phát triển thị trường bằng việc có kế hoạch giải quyết một số vấn đề về khả năng tiếp cận, chẳng hạn như giới hạn sở hữu nước ngoài, yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch và việc thiếu công bố thông tin thị trường bằng tiếng Anh. Việc giải quyết những vấn đề trước mắt nêu trên sẽ là những điểm cộng tích cực cho đánh giá của MSCI, FTSE đối với TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Trên TTCK thế giới, tâm điểm trong tuần qua là những thông tin liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ cũng như kết quả cuộc họp chính sách định kỳ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, Fed đã quyết định giữ lãi suất không đổi, đồng thời chỉ ra những tiến triển về vấn đề lạm phát. Tuy nhiên, theo dự báo mới nhất của Fed, sẽ chỉ có một đợt hạ lãi suất diễn ra trong năm nay (giảm so với dự báo ba đợt hạ lãi suất hồi đầu năm 2024).

Đáng chú ý, những quyết định nêu trên của Fed được đưa ra sau khi dữ liệu lạm phát mới của Mỹ được công bố, dường như cho thấy xu hướng hạ nhiệt. Cụ thể, CPI tháng 5 không thay đổi so với tháng trước, đồng thời thấp hơn so với dự báo tăng 0,1% từ Dow Jones. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số lạm phát của Mỹ tăng 3,3%, cũng thấp hơn so với dự báo và thể hiện sự chậm lại so với tốc tộ tăng 3,4% của tháng trước đó. Trước những thông tin mang tính hỗ trợ trên, đóng cửa tuần vừa rồi, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,6% và 3,2% trong khi Dow Jones lại ngược chiều giảm nhẹ 0,5%.

Về xu hướng của VN-Index, sau khi giảm điểm đầy bất ngờ trong hơn 30 phút cuối phiên ngày thứ Sáu tuần trước, chỉ số này hiện quay về vùng đi ngang tích lũy từ 1.250-1.293 điểm. Vùng đỉnh quanh 1.300 điểm vẫn đang chứng tỏ là vùng cản tâm lý khá cứng, đòi hỏi cung - cầu phải kiểm định nhiều lần mới có thể vượt qua.

Mặc dù vậy, bối cảnh thị trường hiện tại cho thấy nên tập trung vào câu chuyện cơ bản của từng cổ phiếu riêng lẻ hơn là bị ảnh hưởng bởi điểm số của thị trường chung. Mức độ phân hóa cao khiến dòng tiền hiện đang tìm đến một số ngành tiêu biểu như công nghệ thông tin, cảng biển, bán lẻ, thép…

Do đó, nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu thuộc những nhóm ngành này bất chấp nhịp rung lắc ngắn hạn của thị trường. Còn với các vị thế ngắn hạn, việc quản trị rủi ro nên được ưu tiên hàng đầu vì các nhịp lên xuống của VN-Index đòi hỏi sự theo sát và tính kỷ luật cao thì mới có thể tìm kiếm được lợi nhuận cũng như tránh được rủi ro thua lỗ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới