Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

VN-Index liệu đã thoát xu hướng đi ngang trong biên độ rộng?

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch từ ngày 20 đến 24-11-2023 với diễn biến “rung lắc” mạnh. Tâm lý nhà đầu tư chưa thực sự ổn định là nguyên nhân chính khiến chỉ số VN-Index biến động với biên độ lớn, qua đó đánh mất mốc 1.100 điểm.

Đóng cửa tuần, VN-Index đứng ở mốc 1.095 điểm, giảm 5,58 điểm, tương đương 0,51% so với tuần trước đó. Thanh khoản trung bình phiên trên sàn HOSE tiếp tục đi ngang với giá trị khớp lệnh đạt hơn 16.400 tỉ đồng/phiên.

Trong số các nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường, nhóm ngân hàng có diễn biến khá tích cực trong những phiên đầu tuần nhưng cú lao dốc mạnh trong các phiên cuối tuần đã khiến toàn ngành chìm trong sắc đỏ.

Trong 27 mã ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán, chỉ có ba mã tăng giá trong tuần qua là BID của BIDV (+1,7%), EIB của Eximbank (+0,5%) và VCB của Vietcombank (+0,5%). Về mặt tin tức, BID có mức tăng mạnh nhất ngành trong bối cảnh ngân hàng này đang chuẩn bị trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Cụ thể, trong tuần này (ngày 29-11), BIDV chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức với tỷ lệ 12,69%. Thời gian phân bổ cổ phiếu dự kiến trong tháng 12-2023. Hiện vốn điều lệ của BIDV ở mức 50.585 tỉ đồng. Sau khi phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên mức 57.004 tỉ đồng. Trong khi đó, có đến 21 mã ngân hàng giảm giá trong tuần qua. STB của Sacombank và TCB của Techcombank giảm mạnh nhất khi mất lần lượt 3,6% và 3,5% giá trị. Hai cổ phiếu khác trong rổ VN30 cũng giảm hơn 2% trong tuần qua là SHB (-2,2%) và ACB (-2,9%).

Trong bối cảnh thị trường trồi sụt mạnh, khối ngoại tiếp tục là điểm trừ khi bán ròng với tổng giá trị 910 tỉ đồng. Cổ phiếu VPB bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần với giá trị 686 tỉ đồng, tiếp đến là cổ phiếu VHM với hơn 327 tỉ đồng, theo sau là VNM và VRE với hơn 200 tỉ đồng tại mỗi cổ phiếu.

Ngoài ra, mã cổ phiếu MWG tiếp tục bị khối ngoại bán ròng 134 tỉ đồng trong tuần qua, đưa tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp bán lẻ này về mức 44,49%. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu chứng khoán SSI tiếp tục được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 176 tỉ đồng.

Tuần qua, TTCK Mỹ tăng điểm tích cực khi chỉ số Dow Jones tăng thêm 1,27% trong khi S&P 500 đi lên 1% và Nasdaq Composite nhích thêm 0,89%. Đây là tuần leo dốc thứ 4 liên tiếp của các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ. Diễn biến tích cực trên diễn ra sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chạm mức thấp nhất trong nhiều tháng do nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát đang hạ nhiệt và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hoàn tất chiến dịch tăng lãi suất. Chốt phiên ngày 24-11, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm về mức 4,472%.

Trong tuần này, TTCK Mỹ sẽ đón nhận thông tin quan trọng liên quan đến chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE). Sau một loạt các dữ liệu đáng khích lệ về giá tiêu dùng trong thời gian gần đây, hiện thị trường đang tiếp tục kỳ vọng về một báo cáo cho thấy mặt bằng giá cả vẫn ổn định tương đối.

Theo kết quả một cuộc thăm dò của Reuters, chỉ số PCE tháng 10, dự kiến công bố vào ngày 30-11, sẽ không có nhiều thay đổi. Trước đó, chỉ số PCE trong tháng 9 đã tăng 0,4%, tương đương mức tăng trong tháng 8. Bên cạnh đó, số liệu về niềm tin người tiêu dùng (công bố vào ngày 28-11) cũng có thể cho thấy mức độ hạ nhiệt của kinh tế Mỹ, qua đó càng củng cố khả năng chu kỳ tăng lãi suất của Fed đã thực sự đi đến giai đoạn cuối.

Về các tin tức trong nước, tuần này sẽ có số liệu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, qua đó giúp nhà đầu tư đánh giá rõ hơn về đà hồi phục của các hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây sẽ là những chỉ báo sớm để dự báo về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong quí cuối cùng của năm. Bức tranh chung được kỳ vọng là sẽ tiếp tục có sự hồi phục, tuy vậy mức độ sẽ phân hóa giữa các ngành nghề cũng như giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành.

Với những cơ sở trên, chỉ số VN-Index được dự báo nhiều khả năng sẽ đi ngang trong biên độ rộng, từ 1.080-1.130 điểm. Theo đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng, tránh mua đuổi trong các phiên tăng nóng. Với các nhà đầu tư trung và dài hạn, những phiên giảm sâu bất ngờ của thị trường sẽ là cơ hội tốt để tiếp tục tích lũy cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới