Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

VN-Index tiếp cận lại vùng hỗ trợ trung hạn quanh 1.150 điểm! – KTSG

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tuần giao dịch từ ngày 25 đến 29-9-2023 tiếp tục ghi nhận áp lực điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi có thời điểm chỉ số VN-Index lùi về dưới khu vực 1.140 điểm. Lực bán tháo xuất hiện nhiều khi lượng cổ phiếu bắt đáy hụt về tài khoản đã kích hoạt nhu cầu cắt lỗ của nhà đầu tư. Dòng tiền theo đó cũng trở nên dè dặt với việc thanh khoản giảm mạnh trong phiên cuối tuần khi giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE chưa tới 12.000 tỉ đồng. Kết tuần, VN-Index giảm 38,9 điểm, tương đương giảm 3,26% so với tuần trước đó, xuống mức 1.154 điểm.

Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh, khối ngoại lại bất ngờ trở thành điểm sáng khi trở lại mua ròng mạnh sau sáu tuần liên tiếp bán ròng trước đó.

Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh, khối ngoại lại bất ngờ trở thành điểm sáng khi trở lại mua ròng mạnh sau sáu tuần liên tiếp bán ròng trước đó. Tuy nhiên lực mua không duy trì lâu khi nhà đầu tư ngoại đã quay lại bán ròng trong hai phiên cuối tuần.

Trên thế giới, TTCK Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (29-9) do những lo ngại về khả năng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa, qua đó hoàn tất một tháng và một quí giảm mạnh. Cụ thể, chỉ số S&P 500 đã giảm 4,9% trong tháng 9 và 3,7% trong quí 3. Tương tự, chỉ số Nasdaq cũng lần lượt giảm 5,8% trong tháng và 4,1% trong quí. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones hoàn tất quí và tháng với mức giảm tương ứng là 3,5% và 2,6%.

Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, thước đo lạm phát được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng, tăng 0,1% trong tháng 8 so với tháng 7 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, các nhà kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng tương ứng của PCE là 0,2% và 3,9%. Dù PCE tăng thấp hơn dự báo nhưng khả năng Chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa từ ngày 1-10 đã phủ bóng lên tâm trí các nhà đầu tư.

Quay lại TTCK trong nước, kết quả xếp hạng thị trường tháng 9-2023 của FTSE Russell cho biết Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market) dù đã được thêm vào danh sách theo dõi từ tháng 9-2018. Cụ thể, hiện tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)” - vốn đang được xếp ở mức “hạn chế” (restricted). Nguyên nhân là do thời điểm hiện tại, thông lệ thị trường vẫn là phải kiểm tra, đảm bảo có vốn trước khi thực hiện giao dịch (pre-funding).

Ngoài ra, FTSE Russell cũng ghi nhận những tương tác mang tính xây dựng của cơ quan quản lý thị trường Việt Nam trong 12 tháng qua và việc ban hành luật nhằm hỗ trợ tham vọng nâng cao thông lệ thị trường. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng khuyến nghị nên có những cải tiến liên quan đến việc đăng ký tài khoản mới, hiện tại thông lệ thị trường có thể kéo dài quá trình đăng ký. Hướng đến một cơ chế hiệu quả cho giao dịch đối với những chứng khoán đã hoặc sắp đạt đến giới hạn sở hữu nước ngoài (cổ phiếu fullroom) cũng được coi là quan trọng. Việt Nam hiện vẫn nằm trong “Danh sách theo dõi” với tư cách là thị trường cận biên (frontier market) và sẽ được xem xét để phân loại lại thành thị trường mới nổi thứ cấp trong chương trình “Phân loại quốc gia” của FTSE Russell tại Đánh giá tạm thời vào tháng 3-2024.

Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, các cơ quan chức năng đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể đảm bảo thỏa mãn được các tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng như FTSE Russel và MSCI. Nhìn chung các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính. Trong số các tiêu chí định tính mà FTSE Russel và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn khá nhiều. Việc vận hành hệ thống KRX là điều kiện cần và sự xuất hiện của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) sẽ là điều kiện đủ để các giao dịch được thực hiện và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán. Việc vận hành có hiệu quả của CCP sẽ cần sự tham gia của các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng thời cũng cần sửa đổi các luật liên quan như Luật các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Về xu hướng thị trường, sau ba tuần giảm điểm liên tiếp, VN-Index đang tiếp cận lại vùng hỗ trợ trung hạn tại 1.140-1.150 điểm. Những lo ngại xoay quanh khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ của NHNN đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Mặc dù vậy, việc thị trường điều chỉnh sâu cũng mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu cơ bản với mức giá hấp dẫn. Lợi thế hiện đang thuộc về những nhà đầu tư biết quản trị rủi ro danh mục và có tỷ trọng tiền mặt cao để sẵn sàng “bắt đáy” những cổ phiếu tiềm năng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới