Thứ Bảy, 1/06/2024
26.7 C
Ho Chi Minh City

VN-Index chờ đợi lực cầu ở vùng hỗ trợ 1.180-1.200 điểm

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong tuần giao dịch từ 11 đến 15-9-2023, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những nhịp “rung lắc” khá mạnh quanh khu vực đỉnh ngắn hạn. Lực cầu có phần suy yếu nên chưa thể giúp thị trường cải thiện về mặt điểm số. Tổng cộng sau năm phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa tuần tại 1.227 điểm, giảm 14 điểm, tương đương với 1,14% so với tuần trước đó.

Cùng chung xu hướng, chỉ số HNX-Index cũng giảm 1,3% xuống còn 252,8 điểm và chỉ số UpCom-Index giảm 1% xuống còn 93,8 điểm. Trong tuần trước, các cổ phiếu chủ chốt kéo giảm thị trường có thể kể đến là VIC (-9,3%), VHM (-6,5%) và HPG (-4,1%).

Ở chiều ngược lại, GAS (+7,2%), VPB (+3,4%) và SSI (+5,2%) là những mã góp phần hạn chế đà giảm của chỉ số chung. Áp lực bán dâng cao cũng góp phần khiến thanh khoản thị trường tiếp tục đi lên khi giá trị giao dịch bình quân trên cả ba sàn đạt 30.306 tỉ đồng/phiên (tăng 9,5% so với tuần trước đó).

Tuần qua, chỉ số VN-Index giảm 14 điểm, tương đương với 1,14% so với tuần trước đó. Ảnh: TL

Trong bối cảnh thị trường có phần “hụt hơi”, giao dịch của khối ngoại cũng không mấy sáng sủa khi khối này tiếp tục bán ròng hơn 2.000 tỉ đồng, tập trung trên kênh khớp lệnh. Diễn biến này một phần xuất phát từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của ba quỹ VNM ETF, FTSE Vietnam ETF và Fubon FTSE Vietnam ETF.

Đáng lưu ý, khối ngoại mua ròng 226 tỉ đồng mã VIX. Khả năng cao đây là động thái mua vào từ các quỹ ETF ngoại khi mã VIX được FTSE Rusell thêm vào rổ chỉ số FTSE Vietnam Index – chỉ số tham chiếu của FTSE Vietnam ETF.

Trên TTCK Mỹ, chỉ số Dow Jones kết thúc tuần trước với mức tăng 0,12% bất chấp xuất hiện phiên bán mạnh vào ngày thứ Sáu. Trong khi đó, chỉ số S&P500 có tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp trước áp lực điều chỉnh từ nhóm cổ phiếu công nghệ. Tâm điểm tin tức trên TTCK Mỹ tuần qua là báo cáo lạm phát và các dữ liệu kinh tế ngay trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) – diễn ra trong hai ngày 19 và 20-9.

Cụ thể, chỉ số CPI tháng 8 của Mỹ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái (từ mức 3,2% trong tháng 7), cao hơn dự báo của thị trường là 3,6%. Giá dầu đã tăng trong hai tháng trước đó, cùng với những tác động cơ bản từ năm ngoái, đã đẩy lạm phát lên cao hơn.

Tuy nhiên tỷ lệ lạm phát lõi (Core CPI), không bao gồm lương thực và năng lượng, đã chậm lại trong tháng thứ năm xuống còn 4,3%, phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Lạm phát tăng trở lại đang tạo sức ép đáng kể đến quyết định của Fed. Dù vậy, thị trường vẫn khá tự tin về việc Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại (theo khảo sát của CME, xác suất diễn ra kịch bản trên là 99%).

Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp vào ngày 14-9 và phát tín hiệu mức tăng lãi suất được chứng minh là “đủ” để đưa lạm phát về mục tiêu một cách kịp thời. Lãi suất tái cấp vốn chính ở khu vực này đã lên mức 4,5% – cao nhất trong 22 năm.

Tuy nhiên, lạm phát ở Eurozone vẫn được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài, mặc dù nó đang có xu hướng giảm. ECB cũng đã cắt giảm đáng kể dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu khi lần lượt đưa ra mức dự báo tăng trưởng 0,7% cho năm 2023, 1% cho năm 2024 và 1,5% cho năm 2025.

Trong tuần này, thông tin được giới đầu tư chờ đợi nhất sẽ là kết quả cuộc họp chính sách định kỳ của Fed. Mức lãi suất Fed đưa ra có thể không gây bất ngờ nhưng điều mà giới đầu tư quan tâm là những quan điểm của Fed về hướng đi của chính sách tiền tệ trong các tháng còn lại của năm nay. Nếu lãi suất tiếp tục được giữ ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn, thị trường tài chính toàn cầu có thể sẽ tiếp tục phải chịu sức ép.

Ngoài cuộc họp của Fed, tuần này còn có cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vào ngày thứ Năm và cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào ngày thứ Sáu. Trong đó, BOE được dự báo tăng lãi suất lần thứ 15, đưa lãi suất cơ bản của đồng bảng Anh lên 5,5%. Về cuộc họp của BOJ, bất kỳ tín hiệu nào về việc dịch chuyển khỏi chính sách tiền tệ lỏng lẻo nhanh hơn dự báo đều có thể đưa tỷ giá đồng yên tăng mạnh.

Về xu hướng của TTCK, sự thận trọng trước cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng như diễn biến tăng cao trở lại của tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong những ngày gần đây đang gây những sức ép nhất định lên chỉ số VN-Index.

Sau khi “rung lắc” tại vùng đỉnh 1.250 điểm, vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index sẽ là khu vực 1.180-1.200 điểm. Đây là khu vực có thể sẽ đón nhận lực cầu mới vào thị trường với kỳ vọng xu hướng tăng trung hạn của chỉ số vẫn tiếp diễn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới