Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

VN-Index và thử thách trước vùng 1.300 điểm

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Không thể giữ mốc 1.300 điểm đạt được và giảm mạnh ngay sau đó, sự suy yếu của chỉ số VN-Index đang tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các thông tin tích cực hỗ trợ. Liệu khả năng điều chỉnh có đang hiện hữu và diễn biến thị trường sẽ ra sao trong thời gian tới?

TTCK Việt Nam vẫn đang trong một xu hướng tăng ổn định, mà một trong những chất xúc tác được kỳ vọng lớn nhất vẫn là cơ hội nâng hạng thị trường. Ảnh: LÊ VŨ

Thách thức ngay vùng 1.300 điểm

Sau khi chinh phục mốc 1.300 điểm vào thứ Tư tuần trước (ngày 12-6-2024), chỉ số VN-Index tiếp tục leo lên mốc 1.302 điểm vào ngày 13-6, cao nhất kể từ tháng 6-2022 đến nay. Tuy nhiên, VN-Index đã không thể giữ được mốc này lâu khi bất ngờ giảm hơn 21 điểm vào ngày 14-6. Trong đó, có đến 591 mã giảm và 255 mã tăng, còn xét riêng rổ VN30 thì có 28 mã giảm và chỉ hai mã tăng.

Áp lực chốt lời mạnh diễn ra tại vùng kháng cự 1.300 điểm của VN-Index, thể hiện qua khối lượng giao dịch ngày 14-6 cũng tăng vọt hơn 22% so với ngày trước đó, lên hơn 1 tỉ cổ phiếu được trao tay trên sàn HOSE, đang đặt ra cho thị trường những thách thức không nhỏ trong giai đoạn hiện nay. Chỉ riêng khối ngoại trong phiên này đã bán ròng 633 tỉ đồng, đánh dấu phiên bán ròng thứ 14 liên tiếp. Còn nếu tính từ đầu tháng 6 đến nay, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng hơn 8.250 tỉ đồng trên cả ba sàn.

Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng hơn 15%, trong đó không ít nhóm ngành đã tăng vượt trội hơn thị trường chung. Việc một loạt cổ phiếu đã vượt đỉnh và định giá cũng đã vượt xa kỳ vọng càng kích thích các nhà đầu tư bán ra cũng là điều có thể hiểu được, nhất là khi mùa cao điểm thông tin và các kỳ họp đại hội đồng cổ đông đã qua đi. Ngược lại, một số thông tin tiêu cực xuất hiện cũng đã ảnh hưởng lên tâm lý nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường đang ở thế nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương như hiện nay.

Việc Fed neo lãi suất cao lâu hơn nhiều so với dự báo đang gây khó khăn cho nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, khi các nước này phải đối mặt với áp lực mất giá đồng nội tệ thường trực kéo theo lạm phát và lãi suất đi lên, khiến dư địa chính sách tiền tệ nới lỏng cũng bị thu hẹp.

Mới đây, gã khổng lồ quản lý tài sản BlackRock đã thông báo giải thể quỹ iShares Frontier & Select EM ETF, một quỹ chuyên đầu tư vào thị trường cận biên và mới nổi, trong đó đầu tư gần 20% tỷ trọng vốn vào thị trường Việt Nam. Theo đó, quỹ ETF này sẽ ngừng giao dịch và không còn chấp nhận các lệnh tạo và mua lại chứng chỉ quỹ sau khi thị trường đóng cửa ngày 31-3-2025.

Dù giới phân tích cho rằng việc quỹ ETF này giải thể chủ yếu do thay đổi mục tiêu và không ảnh hưởng gì đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi NAV không lớn - chỉ khoảng 1.900 tỉ đồng, nhưng nếu đặt trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng thời gian qua và tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đang tăng mạnh, có lý do để lo ngại. Liệu các quỹ ETF còn lại có động thái tương tự trong giai đoạn tới?

Đơn cử như một quỹ ETF khác là Fubon FTSE Vietnam, tuy mới đây đã được phê duyệt số tiền huy động bổ sung đợt 6 là 154 triệu đô la Mỹ, tương đương 4.000 tỉ đồng có thể rót vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới, nhưng cũng trong ngày 14-6, quỹ này bất ngờ bị rút ròng 34,5 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng khoảng 13 triệu đô la Mỹ, tức gần 330 tỉ đồng cổ phiếu Việt Nam đã bị Fubon ETF bán ròng chỉ trong một phiên giao dịch. Đây là phiên thứ 8 liên tiếp quỹ ETF này bị rút ròng trên thị trường và là giá trị rút ròng cao kỷ lục của quỹ ngoại này.

Khả năng điều chỉnh đang hiện hữu?

Đáng chú ý, thị trường được cho là cũng đang bước vào mùa giao dịch trầm lắng, khi mùa bóng đá đã diễn ra với giải vô địch châu Âu và Nam Mỹ, mà quá khứ thường cho thấy dòng tiền giao dịch trên thị trường thường suy giảm trong những sự kiện như vậy, còn nhà đầu tư cũng bị phân tâm khi phải mất sức theo dõi các trận cầu diễn ra vào đêm khuya.

Sau đó, kế tiếp sẽ là giai đoạn tháng 7 Âm lịch với việc thiếu các thông tin hỗ trợ thị trường, trong khi tâm lý của một bộ phận nhà đầu tư cũng kiêng kỵ giao dịch trong “tháng Ngâu” được cho là thiếu may mắn này. Khi thanh khoản giảm sút, lực cầu suy yếu, thị trường rất dễ rơi vào tình trạng bị bán tháo và điều chỉnh với một lượng cung không cần quá lớn.

Diễn biến thị trường cho thấy tận dụng đà tăng trưởng mạnh mẽ của VN-Index từ tháng 11 năm ngoái đến nay, gần đây các công ty đã tranh thủ phát hành cổ phiếu mới với khối lượng khủng nhằm đáp ứng mục tiêu tăng vốn, trong khi các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ cũng tích cực đăng ký bán ra hay thoái vốn.

Về yếu tố ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào giữa tháng 6 đã cho kết quả đúng như dự đoán, khi ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn nhất thế giới này vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản đô la Mỹ ở vùng 5,25-5,5%, dù cả NHTƯ châu Âu (ECB) và NHTƯ Canada (BOC) đã giảm lãi suất điều hành. Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed dự kiến chỉ có một lần giảm lãi suất trong năm nay, thay vì là hai lần như dự báo gần nhất. Trước đó, trong cuộc họp tháng 3, các thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) dự kiến có ba lần giảm lãi suất trong năm 2024.

Việc Fed neo lãi suất cao lâu hơn nhiều so với dự báo đang gây khó khăn cho nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, khi các nước này phải đối mặt với áp lực mất giá đồng nội tệ thường trực kéo theo lạm phát và lãi suất đi lên, khiến dư địa chính sách tiền tệ nới lỏng cũng bị thu hẹp. Đây cũng là điều mà Việt Nam đang phải đối mặt từ đầu năm đến nay, khi chứng kiến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng trong khi mặt bằng lãi suất cũng đi lên nhanh hơn trong quí 2 này.

Tuy nhiên, dù có thể chịu áp lực điều chỉnh trước các vùng kháng cự trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay, về trung và dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn đang trong một xu hướng tăng ổn định, mà một trong những chất xúc tác được kỳ vọng lớn nhất vẫn là cơ hội nâng hạng thị trường. Mới đây, Việt Nam cải thiện được một tiêu chí nâng hạng của tổ chức xếp hạng thị trường MSCI khi cơ quan này thay đổi đánh giá tiêu chí “khả năng chuyển nhượng” (transferability) của Việt Nam từ cần cải thiện “-” sang không có vấn đề lớn “+”.

Vào cuối tuần trước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức một buổi họp hẹp với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) và năm công ty chứng khoán đầu ngành, bao gồm: SSI, HSC, VCBS, BSC và Vietcap. Nội dung cuộc họp liên quan đến việc tháo gỡ các vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia TTCK Việt Nam, nhằm hướng tới mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp theo tiêu chuẩn của FTSE Russell.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán BSC, Việt Nam sẽ có khả năng vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI vào tháng 6-2025. Còn với lộ trình nâng hạng của FTSE, BSC dự báo khả năng xem xét nâng hạng vào tháng 9-2024 hoặc tháng 3-2025 và chính thức nâng hạng vào tháng 9-2025. So với thị trường lân cận như Thái Lan, Việt Nam còn ba tiêu chí đang cần hoàn thiện để đáp ứng tiêu chí thị trường mới nổi gồm: quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài, luồng thông tin, thanh toán bù trừ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới