Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VN thăng hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo 2015

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VN thăng hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo 2015

Nam Nhật

(TBKTSG Online) – Việt Nam đã tăng được gần 20 bậc so với năm ngoái trong bảng xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII 2015 – cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh ở VN đã có sự cải thiện đáng kể; song vị trí của VN vẫn còn rất thấp so với các nước láng giềng như Singapore hoặc Malaysia.

VN thăng hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo 2015
Số liệu từ nguồn http://www.globalinnovationindex.org/content/page/GII-Home

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index – GII) được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Đại học Cornell và trường Kinh doanh Insead công bố hàng năm hiện đã trở thành công cụ đánh giá quan trọng cho những quản lý kinh doanh cấp cao, các nhà hoạch định chính sách và những ai quan tâm đến tình hình đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Năm 2015 GII khảo sát 141 nền kinh tế trên thế giới, sử dụng 79 chỉ số về (1) thể chế, (2) nguồn nhân lực và nghiên cứu, (3) cơ sở hạ tầng, (4) các yếu tố thị trường, (5) môi trường kinh doanh, (6) sản phẩm chất xám và công nghệ, (7) sản phẩm sáng tạo để đo lường tiềm năng đổi mới sáng tạo và những kết quả định lượng liên quan.

Thụy Sĩ, Anh, Thụy Điển, Hà Lan và Mỹ nằm trong top 5 của bảng xếp hạng này trong khi Trung Quốc, Malaysia,Việt Nam, Ấn Độ, Jordan, Kenya và Uganda được đánh giá cao ở khu vực địa lý của mình.  

Việt Nam từ vị trí 71 năm 2014 đã vươn lên xếp thứ 52 trong bảng xếp hạng GII năm nay và xếp thứ 9 trong nhóm các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Singapore, Malaysia có sự thể hiện nổi bật, lần lượt đứng tại vị trí thứ 7 và thứ 32.

Chủ đề “Chính sách đổi mới sáng tạo hiệu quả cho phát triển” trong báo cáo của GII 2015 cho thấy thúc đẩy đổi mới sáng tạo đóng vai trò trung tâm trong chiến lược của những quốc gia đang phát triển và có nền kinh tế mới nổi. Số liệu của báo cáo khẳng định tương quan giữa môi trường kinh doanh với hàm lượng khoa học, hỗ trợ của nước ngoài và việc tuyển dụng các nhà khoa học thường là thách thức lớn nhất đối với những nền kinh tế này.

Đổi mới sáng tạo và nghiên cứu tại các nước đang phát triển dần hướng đến giải pháp cụ thể trong bối cảnh thực tế, có thể không tập trung vào công nghệ phụ trợ hay chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng phù hợp để giải quyết những vấn đề của từng quốc gia liên quan đến năng lượng, giao thông vận tải, an sinh xã hội, ngành nghề thủ công và sáng tạo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới