(KTSG Online) - Các nước đang phát triển hiện đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ thảm khốc trong những tháng tới khi lạm phát tăng nhanh, tăng trưởng chậm lại, lãi suất cao và đồng đô la Mỹ vẫn còn mạnh. Những điều này cùng lúc tạo ra một “cơn bão” tồi tệ có thể kích hoạt một làn sóng vỡ nợ hỗn loạn, gây ra nỗi đau kinh tế cho những người dân dễ bị tổn thương nhất thế giới.
- Lạm phát toàn cầu có thể đã đạt đỉnh
- Lạm phát và đô la Mỹ siêu mạnh khiến khối nợ các nước mới nổi phình to
Các nước nghèo đang nợ 200 tỉ đô la Mỹ
Theo một số tính toán, các nước nghèo đang vay nợ 200 tỉ đô la Mỹ từ các nước giàu có, các ngân hàng phát triển đa phương và chủ nợ tư nhân. Lãi suất tăng đã làm tăng giá trị của đồng đô la Mỹ, khiến những nước vay bằng đồng bạc xanh gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ.
Vỡ nợ một khoản vay lớn sẽ đẩy chi phí vay của các nước dễ bị tổn thương lên cao hơn và có thể gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính khi gần 100 triệu người dân vốn đã bị đẩy vào cảnh nghèo trong năm nay do các đòn giáng kết hợp của đại dịch Covid-19, lạm phát và chiến tranh ở Ukraine.
Rủi ro vỡ nợ này áp đặt một tình thế khó khăn khác cho một nền kinh tế thế giới đang hướng đến một cơn suy thoái. Trong những tuần gần đây, giới lãnh đạo của các nền kinh tế phát triển đã xoay xở tìm cách ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính ở các thị trường mới nổi như Zambia, Sri Lanka và Ghana.
Tuy nhiên, họ gặp khó khăn trong việc phát triển một kế hoạch tăng tốc giảm và xóa nợ cho các nước nghèo trong bối cảnh nền kinh tế của chính những nước phát triển cũng đang đối mặt với những thách thức.
Khi các nước giàu chuẩn bị ứng phó với một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm ẩn cũng như nỗ lực kiểm soát giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, dòng tiền đầu tư vào các nước nghèo sẽ giảm đáng kể. Trong khi đó, các chủ nợ lớn, đặc biệt là Trung Quốc, chậm chạp trong việc tái cấu trúc các khoản vay ở thế giới đang phát triển.
Dù kịch bản vỡ nợ hàng loạt ở các nước thu nhập thấp, với quy mô kinh tế tương đối nhỏ, khó có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, rủi ro này đang buộc các nhà hoạch định chính sách ở các nước giàu suy nghĩ lại về tính bền vững trong thời kỳ lãi suất cao và các thỏa thuận cho vay ngày càng kém minh bạch.
Một phần là vì các vụ vỡ nợ như vậy có thể khiến các nước như Mỹ gặp khó khăn hơn để xuất khẩu hàng hóa sang các nước mắc nợ, kìm hãm kinh tế thế giới và có thể dẫn đến tình trạng nghèo đói và bất ổn xã hội trên diện rộng.
Khi Sri Lanka tiến gần hơn đến bờ vực vỡ nợ hồi đầu năm nay, ngân hàng trung ương của nước này đã buộc phải thu xếp một thỏa thuận đổi hàng: trả tiền cho dầu Iran bằng trà. Tuy nhiên, rốt cuộc, Sri Lanka đã vỡ nợ hồi tháng 5 sau khi không thanh toán hai khoản lợi suất cho trái phiếu chủ quyền đúng hạn.
Tổng số nợ nước ngoài của Sri Lanka là hơn 50 tỉ đô la Mỹ, với một nửa thuộc về các nhà đầu tư trái phiếu tư nhân, phần còn lại đến từ các bên cho vay đa phương và các nước như như Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.
“Việc tìm ra cách giảm nợ là rất quan trọng để giúp các nước này thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Áp lực đối với các nước đang phát triển rất nặng nề và nếu tiếp tục, tình trạng của họ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Điều này có tác động đến các nền kinh tế phát triển ở khía cạnh dòng chảy di cư tăng lên và mất thị trường”, David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nói trong một cuộc phỏng vấn tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 vào tháng trước ở Indonesia.
12 nước đang phát triển đối mặt với vỡ nợ
Tình hình nợ nần của các nước nghèo trở nên nguy cấp sau khi Trung Quốc tiến hành nhiều đợt phong tỏa để kiểm soát đại dịch Covid-19 và Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, kích hoạt đà tăng giá của lương thực và năng lượng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhanh chóng tăng lãi, thúc đẩy đô la Mỹ tăng giá và khiến các nước đang phát triển tốn kém hơn để nhập khẩu nhu yếu phẩm cho người dân đang chống chọi với bão giá.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, có khoảng 12 nước đang phát triển có thể đối mặt với vỡ nợ trong năm tới và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tính toán, 60% trong số các nước đang phát triển, có thu nhập thấp đã rơi vào căng thẳng nợ (debt distress) hoặc có nguy cơ cao sẽ như vậy.
Trong tuần qua, Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), một tổ chức tư vấn chính sách có trụ sở ở New York, cũng cho biết có 12 nước hiện nay được xếp hạng có rủi ro vỡ nợ cao nhất, tăng so với chỉ 3 nước vào 18 tháng trước.
Brad Setser, một học giả cao cấp tại CFR, ước tính có khoảng 200 tỉ đô la Mỹ nợ có chủ quyền ở các thị trường mới nổi cần được cơ cấu lại.
Tái cấu trúc nợ có thể bao gồm cung cấp thời gian gia hạn để trả nợ, giảm lãi suất và xóa một số khoản vay gốc còn nợ. Sự xuất hiện của các chủ nợ thương mại cho vay với lãi suất cao và các khoản vay phát triển từ Trung Quốc, nước không sẵn sàng chịu mất mát, đã làm phức tạp các nỗ lực giảm xóa nợ cho nước nghèo của cộng đồng quốc tế.
Trong một báo cáo hồi tháng trước, Fitch Ratings cảnh báo có thể sẽ có nhiều vụ vỡ nợ xảy ra ở các thị trường mới nổi vào năm 2023. Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế này chỉ trích khung hành động chung mà nhóm G20 thành lập vào năm 2020, để tạo điều kiện thuận lợi cho tái cấu trúc nợ, đã không chứng minh được hiệu quả trong việc giải quyết khủng hoảng một cách nhanh chóng.
Trung Quốc là “rào cản” cho nỗ lực tái cấu trúc nợ
Kể từ khi khung hành động này được thành lập, chỉ có Zambia, Chad và Ethiopia tìm kiếm giải pháp tái cấu trúc nợ nhưng quá trình diễn ra rất ì ạch vì liên quan đến các ủy ban chủ nợ, IMF và WB. Tất cả đều phải đàm phán và cần đạt được sự nhất trí về cách tái cấu trúc các khoản nợ ở các nước đang phát triển.
Sau hai năm, Zambia cuối cùng chuẩn bị tái cấu trúc các khoản nợ đã vay từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc. Và vào tháng trước, Chad, một đất nước ở châu Phi, đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ tư nhân, bao gồm tập đoàn kinh doanh hàng hóa Glencore (Thụy Sĩ) để tái cấu trúc nợ.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Lemaire cho rằng, sự tiến triển trong nỗ lực tái cấu trúc nợ với Zambia và Chad là một bước tích cực nhưng có nhiều việc phải làm với các nước khác.
Trung Quốc, một trong những chủ nợ lớn nhất thế giới, vẫn là rào cản cho nỗ lực giảm xóa nợ cho các nước nghèo. Các chuyên gia chỉ trích Bắc Kinh đã thiết lập “bẫy nợ” đối với nước đang phát triển với chương trình cho vay hơn 500 tỉ đô la Mỹ.
Mark Sobel, một cựu quan chức của Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng vấn đề là ở Trung Quốc không sẵn lòng thừa nhận các khoản cho vay của nước này là không bền vững. Vì vậy, Trung Quốc đã không sốt sắng tái cấu trúc nợ .
Mỹ phàn nàn rằng các khoản cho vay của Trung Quốc rất khó để tái cấu trúc vì các điều khoản mập mờ trong hợp đồng cho vay. Mỹ mô tả các thực hành cho vay của nước này là trái với thông lệ.
Hồi tháng 9, Brent Neiman, cố vấn của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen, nói rằng Trung Quốc thiếu tham gia vào các nỗ lực phối hợp giảm xóa nợ.
Ngược lại, Trung Quốc cáo buộc các chủ nợ thương mại phương Tây và các tổ chức đa phương không làm đủ để tái cấu trúc các khoản nợ ở các nước đang phát triển. Bắc Kinh cũng phủ nhận việc cho vay với lãi suất cao.
“Đây không phải là bẫy nợ mà là những hình mẫu của sự hợp tác”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, phản ứng tại một cuộc họp báo hồi tháng 3.
Nền kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại vì chính sách “zero Covid”. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng bất động sản trong nước cũng khiến Trung Quốc khó chấp nhận mất mát đối với các khoản cho vay ở nước ngoài.
Tuần tới, các quan chức IMF sẽ đến Bắc Kinh để tham gia hội nghị bàn tròn có sự tham gia của lãnh đạo của các tổ chức kinh tế quốc tế lớn. Tại hội nghị, những quan chức này sẽ giúp Trung Quốc hiểu rõ hơn về quá trình tái cấu trúc nợ thông qua khung hành động chung.
Trong tuyên bố chung sau hội nghị cấp cao ở Bali hồi tháng trước, các nhà lãnh đạo nhóm G20 đã bày tỏ mối quan tâm của họ về tình hình nợ nần xấu đi ở một số nước có thu nhập trung bình dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, có rất ít giải pháp cụ thể được đưa ra.
Tuyên bố chung bao gồm một chú thích nói rằng một nước thành viên G20 đã có quan điểm khác về vấn đề nợ ở các nước đang phát triển và theo các nguồn thạo tin, thành viên đó chính là Trung Quốc.
Theo NY Times