VOBF 2017: Hướng tới người tiêu dùng “siêu kết nối”
Chí Thịnh
![]() |
Phiên thảo luận đầu tiên của diễn đàn VOBF 2017 với sự tham dự của đại diện Cục TMĐT, Nielsen Việt Nam, Lazada, doanh nghiệp TMĐT… Ảnh: Chí Thịnh |
(TBKTSG Online) – Theo Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng gia tăng kết nối nhờ số lượng người sử dụng thiết bị di động gia tăng nhanh. Đây sẽ là nhóm khách hàng thường xuyên mua sắm trực tuyến.
Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử (VOBF) vừa khai mạc sáng nay (3-3-2017) tại TPHCM. Đây là sự kiện do Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) phối hợp một số tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) tổ chức.
Theo đánh giá tổng quan về thị trường TMĐT Việt Nam của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam thì mức tăng trưởng của TMĐT Việt Nam trong năm 2017 khoảng 22%; chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ toàn thị trường.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết: Thị trường TMĐT Việt Nam đang phát triển tốt với quy mô thị trường khoảng bốn tỉ đô la Mỹ vào năm 2016. Việc mua sắm online hiện nay chủ yếu vẫn nằm ở các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội với tỷ lệ lần lượt là 37% và 35%; các khu vực khác chiếm 28% (năm 2015).
Bà Quỳnh nhận định: Người Việt là người tiêu dùng “siêu kết nối” với thời gian sử dụng internet ở mức cao (24,7 giờ/tuần). Đây là lớp người tiêu dùng trẻ, sẵn sàng chi tiêu, thuộc phân khúc khách hàng hoàn toàn mới…
Việc xuất hiện nhóm người tiêu dùng “siêu kết nối” là do thị trường gia tăng nhanh số lượng người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone). Đây cũng là xu hướng dẫn dắt TMĐT tăng trưởng trong tương lai.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT thuộc Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) dự báo mức tăng trưởng của ngành TMĐT trong nước đạt khoảng 25%.
Cũng có một số doanh nghiệp TMĐT đánh giá lạc quan hơn về mức tăng trưởng của ngành TMĐT, với mức 30-50%. Đây cũng là động cơ khiến cho một số nhà bán lẻ vốn có thế mạnh kinh doanh chuỗi bán hàng offline (như Aeon Mall hoặc Lotte Online) nhảy vào mảng kinh doanh trực tuyến. Mới đây nhất, chuỗi bán lẻ Thế giới Di động cũng công bố chính thức dự án TMĐT vuivui.com theo mô hình kinh doanh B2C với các nhóm mặt hàng bách hoá.
Theo thông tin từ Nielsen Việt Nam, trung bình người Việt chi tiêu cho mua sắm online khoảng 160 đô la Mỹ/năm. VECOM đánh giá phần lớn chi tiêu này thuộc về các website TMĐT lớn của nước ngoài. Người tiêu dùng trong nước mua hàng hoá và dịch vụ trực tuyến ở các website nước ngoài nhiều hơn khách hàng nước ngoài mua hàng hóa bán trực tuyến từ các website Việt Nam.
VECOM cho biết: Trong năm 2016, đã có 32% doanh nghiệp trong nước thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn TMĐT và 49% thiết lập website để quảng bá thương hiệu- tiếp thị và bán hàng.
Mời đọc thêm