Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Voilà và chuyện ‘miếng phô mai miễn phí trong chiếc bẫy chuột’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Voilà và chuyện ‘miếng phô mai miễn phí trong chiếc bẫy chuột’

Long Châu

(KTSG) – Freemium là thuật ngữ kết hợp của từ “free” (miễn phí) và “premium” (cao cấp). Cùng với thời gian và sự phát triển của internet, mô hình này ngày càng trở nên phổ biến dưới hình thức cung cấp cho người dùng sản phẩm, dịch vụ cao cấp hoặc các tính năng bổ sung có kèm theo điều kiện.

Bộ đôi Freemium và trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence – AI) đang khiến việc thu thập dữ liệu lý ra phải xin phép trở thành một trò chơi miễn phí mà người chơi tự nguyện “dâng hiến” thông tin dữ liệu của mình còn người cung ứng trò chơi bỗng tay không mà có được kho dữ liệu thông tin quý giá.

Voilà và chuyện 'miếng phô mai miễn phí trong chiếc bẫy chuột'

Tính ra so với thời các công ty đi phỏng vấn làm phiếu khảo sát ý kiến người tiêu dùng nhiều chục năm trước thì giờ sướng quá vì nhờ có các ứng dụng dùng công nghệ AI. Bằng cách dùng app (ứng dụng) khảo sát này, quy mô lấy mẫu này cực lớn và chính xác hơn nhiều. Hiện tại, chúng ta thường thấy doanh nghiệp mời người dùng lựa chọn giữa phiên bản miễn phí hay có trả phí của một phần mềm hay dịch vụ có liên quan đến công nghệ thông tin. Phiên bản trả phí cũng được miễn phí hoặc giảm phí rất nhiều để dùng thử. Sau thời gian dùng thử vài ngày, một tuần… thì người dùng có thể tùy chọn trả thêm phí để sử dụng hay quay lại dùng bản miễn phí với tính năng hạn chế hơn.

Mới đây xuất hiện một ứng dụng điện thoại di động được nhiều người ở Việt Nam thích sử dụng có tên là Voilà AI Artist (Voilà). App này giúp cho người dùng biến hóa ảnh chụp chân dung theo kiểu mình thích, như 3D Cartoon, 2D Cartoon, Renaissance, Caricature. Nói nôm na theo tiếng Việt là biến hình chụp bình thường thành tranh chân dung hoạt hình 3D, 2D, thời Phục Hưng hay biếm họa qua vài thao tác dễ dàng.

App có thêm chức năng đăng ký dùng bản dùng thử (trial) Voilà AI Artist Pro miễn phí trong ba ngày với đầy đủ tính năng cao cấp. Hấp dẫn hơn, dù là bản trial, người dùng không bị làm mờ ảnh khi lưu lại… như thường thấy một số app dùng thử khác.

Kết hợp với sự phổ biến của Facebook khi dùng ảnh từ app này làm hình đại diện (avatar), Voilà nhanh chóng tạo ra cơn sốt ở Việt Nam. Trong thời đại công nghệ Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống, mô hình Freemium ngày càng phát triển mạnh và có thêm nhiều biến thể phong phú.

Freemium không còn đơn giản là mô hình thường áp dụng trước đây như khai báo một vài thông tin cá nhân, trả lời khảo sát trực tuyến (online survey) hay cấp nhận xem quảng cáo kèm theo app để đổi lại quyền sử dụng các tính năng cao cấp.

Mục tiêu sâu xa của các công ty công nghệ – đặc biệt là các công ty lớn – trong thời đại AI là miếng bánh thị trường nhiều tỉ đô la liên quan đến ứng dụng AI. Một trong những điều cốt lõi của AI là phải thông qua tương tác với người dùng để AI “học”.

Học máy (machine learning) và AI là cặp bài trùng luôn phải đi với nhau.

Dữ liệu cá nhân, doanh thu quảng cáo… không thấm tháp gì so với lợi ích khổng lồ mà AI học được từ tương tác với ngươi dùng. Và bức tranh này hứa hẹn ngày càng có nhiều điều thú vị hơn trong tương lai.

Tò mò tìm hiểu thêm thì người viết được biết Voilà là sản phẩm của công ty Wemagine.AI LLP có trụ sở tại London, Anh. Công ty này khá kín tiếng và không thấy thông tin nào thể hiện đây là một công ty chuyên viết phần mềm hay app còn cái tên công ty thì cho thấy sự liên quan đến lĩnh vực AI.

Với app Voilà, nếu cần tương tác với hàng trăm ngàn, hàng triệu người dùng để “dạy” cho AI trong việc nhận dạng hình ảnh thì đây là cơ hội quá tuyệt vời. Việc tung ra bản Freemium cao cấp là một chính sách thông minh để người dùng không ngần ngại cài đặt app này so với việc mời gọi sử dụng miễn phí. Đa số người dùng sẽ có tâm lý cài đặt bản Voilà Pro để “tranh thủ xài miễn phí trong ba ngày rồi ngưng để không bị tính tiền”.

Voilà!: Chỉ cần như vậy là bạn đã tình nguyện trở thành “gia sư” dạy cho AI của Wemagine.AI LLP học mà không hề hay biết.

Mô hình dạy AI học thông qua ứng dụng không phải bây giờ mới có mà đã phổ biến trước đó, đặc biệt là với sản phẩm của các tập đoàn lớn. Lợi thế của các tập đoàn công nghệ thông tin có tên tuổi là người dùng tin tưởng nên dễ dàng tham gia sử dụng hơn.

Hẳn nhiều người vẫn nhớ vào cuối năm 2020, Facebook tung ra chiến dịch “10 năm nhìn lại” và người dùng đua nhau tải lên hình cá nhân hiện tại và hình của 10 năm trước. AI nhận dạng hình ảnh của Facebook tha hồ học từ mỏ vàng dữ liệu với hàng chục triệu hình ảnh này. Đây là một lợi thế mà các công ty công nghệ khác khó mà làm được.

Một ví dụ khác là Office Lens của Microsoft. Đây là app dùng để quét (scan) văn bản với tính năng vượt trội và hoàn toàn miễn phí. App này giúp người dùng scan giấy tờ với độ tự động cao, đặc biệt là khả năng nhận diện lề trang giấy rất chính xác. Chỉ cần mở Office Lens trên điện thoại thông minh là chụp, không phải canh chỉnh nhiều như các app cùng loại, kể cả app phải trả tiền cũng không vượt qua nổi tính năng của Office Lens.

Sau vài năm AI nhận dạng ký tự (OCR) đa ngôn ngữ của Microsoft học được rất nhiều từ hàng trăm triệu lượt tương tác cũng như hàng triệu tài liệu được scan. Một trong những ứng dụng mà AI học được bổ sung “siêu tính năng” nhập bảng tính Excel: Chỉ cần chụp hình bảng Excel đưa vào phần mềm Microsoft Office sẽ nhận diện và biến thành file văn bản (text), tạo ra sự vượt trội cho sản phẩm của họ trước đối thủ cạnh tranh.

Xa hơn một chút, người dùng Việt Nam khoảng 10 năm trước thường dùng tính năng dịch tiếng Việt đôi khi khá ngớ ngẩn của Google Translate để làm chuyện cười. Sau mười năm, AI của Google hiện đã học được rất nhiều từ dữ liệu người dùng và ngày càng dịch tiếng Việt tốt hơn, hiểu tiếng Việt tốt hơn.

Giờ đây, khi bạn soạn thảo tiếng Việt trong Gmail, AI có thể giúp bạn sửa chính tả tiếng Việt với độ chính xác khá cao. Chưa hết, với AI tiếng Việt của Google Voice, bạn có thể ra lệnh bằng tiếng Việt hay nhập liệu văn bản tiếng Việt bằng cách đọc cho máy ghi lại (speech to text).

Dù chưa phải hoàn thiện nhưng rõ ràng, khả năng “học” và “hiểu” tiếng Việt của AI về ngôn ngữ của Google ngày càng hoàn thiện. Câu cửa miệng của các công ty công nghệ Việt Nam trước đây thường tuyên bố lợi thế của họ khi “cạnh tranh với Google” là sản phẩm của họ “hiểu tiếng Việt tốt hơn” giờ đây có lẽ không còn chính xác nữa.

Nói một cách khác, dữ liệu cá nhân, doanh thu quảng cáo… không thấm tháp gì so với lợi ích khổng lồ mà AI học được từ tương tác với người dùng. Và bức tranh này hứa hẹn ngày càng có nhiều điều thú vị hơn trong tương lai. Điều này cũng dễ hiểu vì theo Allied Market Research ước tính, thị trường AI toàn cầu từ doanh số khiêm tốn 2,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017 sẽ đạt tới 77 tỉ đô la vào 2025.

Trở lại với AI và Freemium, việc thu thập dữ liệu của doanh nghiệp trước đây thường rất khó khăn và tốn kém thì nay trở nên dễ dàng. Thông qua các game đơn giản, những ứng dụng như Voilà hay một chiến dịch kiểu “10 năm nhìn lại” của Facebook, người dùng đã vui vẻ tự nguyện cung cấp dữ liệu cho doanh nghiệp. “Miếng phô mai miễn phí chỉ có trong bẫy chuột” nhưng đây là điều không dễ nhớ trong thời đại AI xuất hiện khắp nơi như hiện nay. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới