(KTSG Online) – Tổng lượng vốn mà các công ty khởi nghiệp (startup) ở châu Á huy động được trong nửa đầu năm 2023 giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng khô hạn của nguồn vốn trên thị trường, do bất ổn vĩ mô gồm lạm phát và lãi suất cao, khiến số lượng vòng gọi vốn quy mô lớn và ở giai đoạn cuối của các startup trong khu vực giảm hẳn.
- Tình trạng ‘đói vốn’ khoét sâu tổn thương của startup Ấn Độ
- Các startup ở Mỹ ‘tung cờ trắng’ vì cạn tiền
Theo dữ liệu mới nhất của Crunchbase, vốn chảy vào các startup ở châu Á trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 30,3 tỉ đô la Mỹ, giảm 50% so với con số 73 tỉ đô la trong cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng các giao dịch đầu tư cũng giảm 40%, xuống còn 3.237 thương vụ trong nửa đầu năm. Riêng trong quí 2, các startup ở châu Á thu hút 18,5 tỉ đô la, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng giao dịch đầu tư trong quí vừa qua cũng giảm 38%. Xét theo giá trị đô la, lượng vốn mà các startup châu Á huy động trong quí 2 tăng 4% so với quí 1 nhưng số lượng giao dịch lại giảm 7%.
Không có gì ngạc nhiên khi các vòng gọi vốn của các startup giai đoạn tăng trưởng và giai đoạn cuối là “thủ phạm” chính khiến tổng lượng vốn khởi nghiệp suy giảm.
Vốn đầu tư rót vào các startup giai đoạn tăng trưởng và giai đoạn cuối ở châu Á giảm từ 18,4 tỉ đô la trong 246 giao dịch vào quí 2 năm ngoái, xuống còn 10,2 tỉ đô la trong 144 giao dịch trong quí 2 năm nay.
Đà suy giảm thậm chí còn tồi tệ hơn nếu xét đến số liệu trong nửa đầu năm. Các startup ở hai giai đoạn này ở châu Á chỉ thu hút được 19 tỉ đô la trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 53% so với con số 40,8 tỉ đô la vào cùng kỳ năm ngoái.
Đà suy giảm trong hoạt động gọi vốn ở các startup giai đoạn cuối đặc biệt gây tác động lớn vì đây là thường là những vòng gọi vốn có giá trị lớn nhất.
Dù vậy, khu vực chứng kiến một số vòng gọi vốn ấn tượng trong quí vừa qua. Hồi tháng 5, startup thời trang nhanh Shein của Trung Quốc huy động được 2 tỉ đô la dựa trên mức định giá 66 tỉ đô la, giảm 1/3 so với vòng gọi vốn hồi năm ngoái. Tháng trước, startup năng lượng tái tạo Avaada Energy của Ấn Độ huy động thành công 1,3 tỉ đô la để phát triển hydrogen và ammonia xanh.
Trong tháng 4, startup công nghệ tự lái 42dot, có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, nhận được khoản đầu tư 787 triệu đô la từ Hyundai và Kia.
Theo Crunchbase, hoạt động gọi vốn của các startup giai đoạn đầu ở châu Á đã suy giảm quí thứ sáu liên tiếp. Trong quí vừa qua, họ chỉ huy động được 6,8 tỉ đô la trong 529 giao dịch, giảm 42% so với con số 11,7 tỉ đô la vào cùng kỳ năm ngoái.
Các vòng gọi vốn hạt giống và thiên thần ở châu Á cũng chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Trong quí 2-2023, những vòng gọi vốn đó chỉ huy động được 1,5 tỉ đô la, giảm 42% so với quí 2-2022.
Nhìn chung, tin tức đáng khích lệ là vốn đầu tư khởi nghiệp ở châu Á trong quí 2 cải thiện so với quí đầu tiên.
Tuy nhiên, sự sụt giảm liên tục trên thị trường vốn khởi nghiệp vẫn còn đáng lo ngại. Căng thẳng ngày càng dâng cao giữa Bắc Kinh và Washington có thể tác động đến hoạt động huy động vốn khởi nghiêp. Những căng thẳng đó dường như đã khiến VC Sequoia Capital, công ty đầu tư mạo hiểm khổng lồ của Mỹ, tách thành ba doanh nghiệp riêng biệt, với Sequoia Capital và HongShan đặt trụ sở tại Trung Quốc, và Peak XV Partners, có trụ sở tại Ấn Độ, chuyên đầu tư ở Ấn Độ và Đông Nam Á.
Vẫn chưa rõ sự tách biệt đó có làm gián đoạn thêm hoạt động đầu tư mạo hiểm vào khu vực hay không, hoặc liệu các thực thể mới, riêng biệt này có thu hút các đối tác góp vốn hay không.
Thị trường IPO của Trung Quốc đang thu hút sự chú ý. Hồi cuối tháng 3, Tập đoàn Alibaba quyết định chẻ nhỏ thành 6 công ty riêng biệt và có khả năng tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho mỗi công ty. Bên cạnh đó, Ant Group, tập đoàn công nghệ tài chính, đơn vị liên kết của Alibaba, cũng có thể khởi động lại thương vụ IPO vốn bị giới chức đình chỉ vô thời hạn.
Ba năm trước, thương vụ IPO trị giá hơn 34 tỉ đô la của Ant Group sụp đổ khi chính phủ Trung Quốc gia tăng chiến dịch chấn chỉnh các công ty công nghệ. Hồi đầu tháng 7, các cơ quản lý của Trung Quốc ra quyết định xử phạt Ant Group 7,12 tỉ nhân dân tệ (gần 1 tỉ đô la Mỹ) do các sai phạm liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng và quản trị doanh nghiệp. Động thái này có thể đánh dấu hồi kết cho chiến dịch chấn chỉnh khu vực tư nhân của Bắc Kinh. Gần đây, Ant Group công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư dựa trên mức định giá giảm 75% so với mức định giá 300 tỉ đô la vào cuối năm 2020.
Bai Wenxi, nhà kinh tế trưởng của IPG China, nói: “Ant Group có thể đang xem xét lại kế hoạch IPO sau khi chiến dịch chấn chỉnh kết thúc”.
Theo Crunchbase