Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc âm 1.600 tỉ đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc âm 1.600 tỉ đồng

Hoàng Thắng

(TBKTSG Online) – Vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc đã âm gần 1.600 tỉ đồng tính tới 30-9-2020, sau khi ghi nhận khoản lỗ 384,8 tỉ đồng trong qúi 3-2020.

Vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc âm 1.600 tỉ đồng
Đóng gói sản phẩm phân đạm urê tại Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. (Ảnh: TTXVN).

Mất cân đối tài chính

Báo cáo tài chính quý 3-2020 của Công ty cổ phần phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc – PV) cho thấy doanh thu và lỗ ròng trong ba tháng gần nhất đạt 559 tỉ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2019. Nhưng giá vốn hàng bán tăng tới 27,8% so với cùng kỳ, lên mức hơn 663 tỉ đồng - khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp âm gần 104 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 28,8 tỉ đồng.

Các khoản chi phí của Đạm Hà Bắc, gồm: chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019 – từ 247,6 tỉ đồng lên 285,6 tỉ đồng khiến lỗ từ hoạt động kinh doanh của Đạm Hà Bắc tăng 92%, ở mức âm 384,6 tỉ đồng.

Sau khi trừ đi số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, Đạm Hà Bắc ghi nhận khoản lỗ sau thuế cao hơn gần gấp hai lần cùng kỳ năm 2019 là âm 384,5 tỉ đồng.

Lũy kế chín tháng của năm 2020, Đạm Hà Bắc ghi nhận hơn 2.000 tỉ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng giai đoạn năm 2019.

Nhưng do doanh nghiệp bán sản xuất thấp hơn giá vốn nên phải hạch toán khoản lỗ gộp hơn 239 tỉ đồng. Ngoài ra, chi phí tài chính tiếp tục tăng – chủ yếu do tăng chi phí lãi vay đã khiến Đạm Hà Bắc lỗ ròng gần 1.077,2 tỉ đồng sau chín tháng của năm 2020, cao hơn hai lần khoản lỗ trong cùng giai đoạn năm 2019. Như vậy, lỗ lũy kế của doanh nghiệp đã lên mức hơn 4.300 tỉ đồng tính tới 30-9-2020.

Tổng tài sản của Đạm Hà Bắc còn hơn 8.841 tỉ đồng tính tới 30-9-2020, chủ yếu hình thành từ nợ phải trả với giá trị hơn 10.440,5 tỉ đồng – cao hơn giá trị tổng tài sản do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã âm gần 1.598,7 tỉ đồng sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ.

Riêng giá trị nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn chiếm hơn 70% tổng nợ phải của doanh nghiệp, gồm: 2.605,2 tỉ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, 4.800,1 tỉ đồng vay và thuê tài chính dài hạn.

Trước đó, vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc đã âm 523,3 tỉ đồng tính tới 31-12-2019, theo Chính phủ. Tổng tài sản của doanh nghiệp là 9.166 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 9.689 tỷ đồng, lỗ lũy kế -3.245 tỷ đồng.

Tình trạng thiếu vốn lưu động của Đạm Hà Bắc cũng được Chính phủ nhắc tới trong một báo cáo gửi Quốc hội vào tháng 5-2020 khi doanh nghiệp bị ngân hàng áp dụng quy định về tỷ lệ trả nợ theo hướng trả 10 đồng thì được cho vay lại 9,5 đồng. Thậm chí có ngân hàng đã dừng cho vay.

Chi phí tài chính cũng chiếm tỷ lệ 30% tính trên tổng doanh thu của doanh nghiệp do lãi vay tại VDB rất cao - bình quân lãi suất trong hạn là 10,78%, có khoản vay chịu lãi phạt 18%.

“Áp lực trả nợ gốc, lãi, lãi phạt lớn dẫn đến dự án bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng”, Chính phủ cho biết.

“Mắc kẹt” vì hợp đồng EPC

Chính phủ từng đưa ra phương án xử lý với dự án Đạm Hà Bắc theo đề án 1468 gồm: Hoàn thành quyết toán hợp đồng EPC, quyết toán dự án; Tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Nhưng việc thực hiện phương án trên còn những khó khăn, vướng mắc chưa thực hiện được, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội vào tháng 5-2020 do những tranh chấp trong hợp đồng EPC, dẫn tới chưa hoàn thành quyết toán hợp đồng, gồm: Các thiết bị, vật liệu có sự sai khác so với hợp đồng về số lượng, chủng loại, xuất xứ, thông số kỹ thuật; Các chi phí chưa đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định của hợp đồng; Việc tính thuế nhà thầu bổ sung đối với chênh lệch giá trị nhập khẩu thực tế so với hợp đồng; Vật tư Chủ đầu tư cấp trong giai đoạn chạy máy; Chi phí phát sinh do nhà thầu đề nghị; Khắc phục tồn tại sau chạy thử 72 giờ và bảo hành.

Về tài chính, tín dụng, Chính phủ cho rằng các giải pháp chia sẻ rủi ro từ phía ngân hàng chưa đủ hỗ trợ Đạm Hà Bắc vượt qua khó khăn.

Ngoài ra, Luật Thuế 71/2014/QH13 tạo ra bất lợi kép cho các đơn vị sản xuất phân bón trong khi doanh nghiệp không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, dẫn tới sản phẩm doanh nghiệp trong nước đưa ra thị trường bị giảm sức cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu.

“Do chưa giải quyết được 2 khó khăn, vướng mắc nêu trên, Công ty chưa hoạt động có hiệu quả, chưa thực hiện được cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước”, Chính phủ cho biết.

Thực tế, Bộ Tài chính mới công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón theo hướng chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế với thuế suất 5% vào đầu tháng 10-2020.

Dự án Đạm Hà Bắc là một trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ của ngành Công Thương, do Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc làm chủ đầu tư với tổng số vốn điều lệ là 2.722 tỉ đồng. Về cơ vốn, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chiếm 97,66% vốn tại doanh nghiệp, các cổ đông khác chiếm 2,34%.

Dự án khởi công tháng 11 năm 2010. Tới tháng 4-2015, dự được bàn giao tạm thời và đưa vào vận hành thương mại. Tháng 12-2015, dự án chính thức nghiệm thu và đưa vào sử dụng - chậm 36 tháng so với phê duyệt lần đầu.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới