KTSG Online) - Trong nửa đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động tăng, đạt đến 116.900 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp mới thành lập lại giảm, chỉ còn 11,6 tỉ đồng/doanh nghiệp, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu từ cơ quan quản lý cho thấy, trong nửa đầu năm nay, bình quân mỗi tháng có 19.500 doanh nghiệp được thành lập và quay trở lại hoạt động, trong khi đó số rút khỏi thị trường là 13.900.
- Bài toán hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp SME
- Doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài gần 22 tỉ đô la Mỹ
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng qua, cả nước có 76.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký lại giảm 6,4%, chỉ được 882.100 tỉ đồng.
Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập trong 6 tháng đầu năm nay đạt 11,6 tỉ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính thêm hơn 1.847 ngàn tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27.000 lượt doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.730 ngàn tỉ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ.
Về số doanh nghiệp quay lại hoạt động, có gần 40.700 doanh nghiệp quay lại trong 6 tháng qua, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại hoạt động trong nửa đầu năm nay lên 116.900 doanh nghiệp, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Bình quân, cứ mỗi tháng lại có 19.500 doanh nghiệp được thành lập và quay lại hoạt động.
Lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập nhiều nhất trong thời gian qua là dịch vụ, với 55.800 doanh nghiệp, tăng 16,8% so với cùng kỳ; kế đó là mảng công nghiệp và xây dựng, với 19.300 doanh nghiệp, tăng 6,3%. Trong khi đó, số doanh nghiệp mới trong mảng nông, lâm nghiệp và thủy sản lại giảm, chỉ 1.073 doanh nghiệp, giảm 1,6% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 50.900, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm trước; gần 24.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4% và 8.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13,6%. Bình quân, cứ một tháng có 13.900 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quí 3 này nhưng lo ngại về tình trạng giá nguyên vật liệu đầu vào tăng.
Cụ thể, trong quí 2 vừa qua, có 42,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quí trước đó, 36,3% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 21,6% đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến về quí 3, có 49,2% số doanh nghiệp đánh giá sẽ tốt lên so với quí 2, 35,8% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 15% dự báo khó khăn hơn.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 31,0% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới trong quí 2 cao hơn quí 1, 45,5% cho biết đơn hàng mới ổn định và 23,5% có đơn hàng mới giảm. Đánh giá về quí 3 này, có 38,8% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng, 46,7% dự kiến ổn định và 14,5% dự kiến số lượng đơn hàng sẽ giảm.
Với nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp cho biết bốn yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sản xuất kinh doanh là khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước, nhu cầu thi trường nội địa thấp, khó khăn về tài chính và tình trạng thiếu nguyên, vật liệu.