Thứ Sáu, 5/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vốn đầu tư nước ngoài phục hồi – điểm nhấn từ đâu?

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sau những tháng đầu năm sụt giảm, dòng vốn đầu tư nước ngoài đến tháng 7 đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê gần đây. Đâu là những động lực giúp cho dòng vốn quốc tế, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi trở lại? Và liệu xu hướng này có tiếp tục trong thời gian tới?

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-7-2023 đạt 16,24 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Sản xuất của một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Ảnh: HÙNG LÊ

Ảnh hưởng trong nửa đầu năm

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-7-2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,24 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau khi sụt giảm liên tiếp trong sáu tháng đầu năm nay, với lũy kế sáu tháng vẫn còn giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã có sự cải thiện đáng kể trong tháng 7 vừa qua.

Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng, xu hướng sụt giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm nay, mà thời điểm cao nhất chứng kiến mức sụt giảm hơn 38%, chủ yếu do ảnh hưởng bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký điều chỉnh.

Cụ thể, lũy kế đến tháng 7, lượng vốn đăng ký điều chỉnh vẫn đang ghi nhận giảm 42,5% so với cùng kỳ năm trước, khi các dự án cấp phép từ các năm trước chỉ đăng ký tăng thêm 4,16 tỉ đô la. Đáng lưu ý, dù giá trị vốn đăng ký tăng thêm giảm nhưng số lượt dự án đăng ký tăng thêm vốn vẫn tăng 27,1% so với cùng kỳ, đạt 736 dự án, hàm ý mức vốn điều chỉnh bình quân của mỗi dự án thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Trong bối cảnh các nước lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất leo cao ảnh hưởng đến động lực sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia, do đó các dự án đã được cấp phép tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trong việc mở rộng quy mô.

Trong bối cảnh các nước lớn đã thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh trong hơn một năm qua và chưa cho thấy điểm dừng, lãi suất leo cao đã ảnh hưởng đến động lực sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia, do đó các dự án đã được cấp phép tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trong việc mở rộng quy mô.

Mới đây nhất, trong cuộc họp tháng 7, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tiếp tục nâng lãi suất cơ bản đô la Mỹ thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức cao nhất trong 22 năm qua tại 5,25-5,5%, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định nâng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp với bước tăng 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất chính sách lên mức 3,75%, cao nhất từ năm 2000 đến nay.

Bên cạnh đó, những lo ngại về môi trường kinh tế vĩ mô trong nước đối mặt nhiều thách thức, tỷ giá và lãi suất trở nên bất ổn hơn từ cuối năm 2022 kéo dài sang quí 1 năm nay, đơn hàng giảm sút, hoạt động thương mại toàn cầu bị thu hẹp, chuỗi cung ứng đứt gãy, địa chính trị căng thẳng, rủi ro thiếu hụt năng lượng trong những tháng gần đây của Việt Nam,… có lẽ cũng đã phần nào tác động đến chiến lược và kế hoạch mở rộng đầu tư, tăng quy mô dự án tại Việt Nam của các công ty đa quốc gia.

Một yếu tố ảnh hưởng lớn khác là từ tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, dự kiến áp dụng từ năm 2024, với quy định các công ty đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro và có lợi nhuận trên 10% doanh thu sẽ bị áp mức thuế suất tối thiểu 15% lợi nhuận.

Trong khi đó, Việt Nam những năm qua đã sử dụng chính sách ưu đãi thuế như là một giải pháp để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia hiện ở quanh ngưỡng 12,3%, thậm chí một số tập đoàn đa quốc gia lớn hiện được Việt Nam cho hưởng thuế suất ưu đãi chỉ từ 2,75-5,95%.

Thống kê gần đây cho thấy hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu ngay từ năm 2024, vì vậy nhóm này có thể xem xét lại các chiến lược đầu tư. Đây cũng là đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, khi cục này cho rằng các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Điểm nhấn ở vốn đăng ký mới

Trái ngược với dòng vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm bị giảm, lượng vốn FDI đăng ký mới và vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, đặc biệt là từ đầu quí 2 đến nay. Cụ thể, tổng giá trị góp vốn trong bảy tháng đầu năm nay đạt 4,14 tỉ đô la Mỹ, tăng 60,7% so cùng kỳ năm trước, trong khi vốn FDI đăng ký cấp mới ghi nhận có 1.627 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,94 tỉ đô la Mỹ, tăng 75,5% về số dự án và tăng 38,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng số dự án FDI mới lớn hơn nhiều tốc độ tăng tổng vốn FDI đầu tư mới, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới. Số liệu thống kê cũng cho thấy, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu đô la Mỹ chiếm tới 69,4% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư của nhóm dự án này chỉ chiếm 2,7% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong bảy tháng.

Cơ cấu dòng vốn FDI thay đổi như trên cũng được xem là hệ quả của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, khi các tập đoàn lớn có doanh thu nằm trong ngưỡng chịu thuế đang nghiên cứu và xác định lại chiến lược, địa điểm, cách thức đầu tư phù hợp hơn, ngược lại các công ty quy mô nhỏ vẫn mạnh dạn đầu tư ra khắp nơi, trong đó Việt Nam tiếp tục là một điểm đến an toàn, hấp dẫn và có tiềm năng khi đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do trong thời gian qua, cũng như đang hưởng lợi từ xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong những năm gần đây.

Các doanh nghiệp đang đầu tư ở Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nếu đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam thấp hơn mức 15% thì phải nộp bổ sung phần chênh lệch thuế suất ở quốc gia nơi đặt công ty mẹ. Do đó, Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động nghiên cứu những tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, để vừa đảm bảo giành quyền thu thuế trước vừa sử dụng nguồn lực từ thuế thu được này để triển khai các giải pháp ưu đãi khác nhằm giữ chân, lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các chuyên gia kinh tế, đó có thể là các ưu đãi rộng mở hơn về thuế đất, thời gian thuê đất, các chính sách tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu – phát triển, xây dựng các dự án nhà ở cho cán bộ nhân viên của doanh nghiệp, cũng như áp dụng ưu đãi trợ cấp bằng tiền thay vì miễn giảm thuế thu nhập, ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư,…

Nếu các giải pháp này được hiện thực hóa bằng chính sách cụ thể, hướng đến thực thi đồng bộ trong thời gian tới, cộng với việc môi trường vĩ mô tích cực trở lại thể hiện qua tỷ giá ổn định và xu hướng lãi suất giảm liên tục gần đây, các chính sách tài khóa và tiền tệ duy trì mở rộng, dòng vốn FDI dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi và còn tăng trưởng mạnh hơn trong giai đoạn tới, nhất là khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bước vào cuối chu kỳ thắt chặt chính sách.

Bên cạnh đó, Việt Nam với lợi thế ngày càng tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, môi trường đầu tư cải thiện và hưởng lợi không nhỏ từ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh các khu vực kinh tế lớn đang dần tách rời nhau có thể biến Việt Nam trở thành trung gian chuyển dịch hàng hóa, thì dòng vốn đầu tư quốc tế có thể tiếp tục lựa chọn Việt Nam như là một trong những điểm đến tiềm năng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới