(KTSG Online) - Dù doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn mạnh và nhà đầu tư rót vốn mua cổ phần của doanh nghiệp tăng cao nhưng tổng vốn ngoại cam kết vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân là do nguồn vốn đầu tư của các dự án FDI mới trong cùng thời gian trên bị sụt giảm đến hơn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tính đến ngày 20-4 vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 10,8 tỉ đô la Mỹ, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó có 323 lượt dự án FDI đang hoạt động đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 5,29 tỉ đô la, tăng 92,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, cùng thời gian này còn có 1.026 lượt góp vốn mua cổ phần tại các doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,83 tỉ đô la, tăng 74,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, đối với đầu tư FDI thì trong 4 tháng đầu năm nay chỉ thu hút được gần 3,7 tỉ đô la, giảm đến 56,3% so với cùng kỳ năm qua. Điều này dẫn đến tổng vốn ngoại đăng ký vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay bị sụt giảm 11,7%.
Theo Bộ KH-ĐT, có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 3,1 tỉ đô la (chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 35,8% so với cùng kỳ 2021).
Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,82 tỉ đô la, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư, tăng 53,9% so với cùng kỳ. Đan Mạch đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,32 tỉ đô la, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư.
Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp trong nước nhiều nhất trong 4 tháng năm 2022 (chiếm 18,7% số dự án mới, 33,7% số lượt điều chỉnh và 37,3% số lượt GVMCP).
Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TPHCM, Hà Nội.
Bộ KH-ĐT ước tính vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỉ đô la, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này cũng được xem là khá tích cực trong tình hình khó khăn chung hiện nay.