Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vốn FDI vào nông nghiệp kém – vì sao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vốn FDI vào nông nghiệp kém - vì sao?

Trung Chánh

Vốn FDI vào nông nghiệp kém - vì sao?
Đại diện Tập đoàn Tata Sons Limited tại Việt Nam (trái) và UBND tỉnh Sóc Trăng ký biên bản ghi nhớ về đầu tư dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Hàng năm, ngành nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp hàng chục tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu cho đất nước. Thế nhưng, dòng vốn ODA và FDI được rót vào đây, nhất là vào lĩnh vực nông nghiệp, còn rất hạn chế.

Báo cáo tại hội nghị “Xúc tiến thương mại- đầu tư nông nghiệp- nông thôn vùng ĐBSCL” tổ chức hôm nay (6-11) tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết từ năm 1993 đến 2014, tổng vốn ODA cho vùng ĐBSCL đạt trên 5,7 tỉ đô la Mỹ, chiếm 8,2% cả nước, trong đó chỉ có khoảng 500 triệu đô la Mỹ đầu tư vào nông nghiệp.

Về thu hút vốn FDI, lũy kế đến hết tháng 9-2014, toàn vùng ĐBSCL có 903 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 11,8 tỉ đô la Mỹ, chiếm 5,3% về số dự án và 4,9% về vốn đăng ký so với cả nước.

Điều đáng nói ở đây, theo ông Hiếu, vốn FDI vào khu vực nông nghiệp rất ít, chỉ tính riêng đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, vốn FDI đăng ký chỉ đạt 242,5 triệu đô la Mỹ.

Một câu hỏi được đặt ra vậy tại sao nhà đầu tư FDI ngại đặt chân vào ngành nông, thủy sản ĐBSCL?

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị này, một vị đại biểu (đề nghị không nêu tên) thử lý giải : một nhà đầu tư FDI muốn đầu tư vào ngành chế biến cá tra ở ĐBSCL, thì họ sẽ cân nhắc nhiều yếu tố. Chẳng hạn như nếu đầu tư vào sản xuất, chế biến họ phải bỏ ra một nguồn vốn không nhỏ để xây nhà máy, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu… Trong khi đó, ở một khía cạnh khác, doanh nghiệp nội địa thường xuyên cạnh tranh bán phá giá. “Cho nên, thay vì trực tiếp đầu tư vào sản xuất và cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa, họ đã chọn hướng đi làm nhà phân phối cho doanh nghiệp nội địa. Họ không cạnh tranh với doanh nghiệp chúng ta nhưng vẫn có thể kiếm được siêu lợi nhuận từ khoảng chênh lệch giữa mua và bán”, ông nói.

Ngoài ra, điều kiện hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, môi trường đầu tư, thủ tục hành chính nhiêu khê, các khoản chi “ngoài luồng” còn quá lớn…, cũng làm nhà đầu tư FDI ngại rót vốn vào đây.

Hội nghị “Xúc tiến thương mại- đầu tư nông nghiệp- nông thôn vùng ĐBSCL” là một trong những sự kiện chính của Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL Sóc Trăng năm 2014- MDEC Sóc Trăng 2014, diễn ra từ ngày 5 đến 7-11-2014.

Xem thêm:

Chuyên gia: Tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL vẫn chưa đâu vào đâu!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới